Không rượu bia khi tham gia giao thông để Tết an toàn hơn

23/01/2023 16:40

Dịp cuối năm, Tết đến Xuân về, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, gia đình… thường tổ chức các buổi tất niên hoặc liên hoan, gặp mặt, hội họp nên có sử dụng rượu bia.

Song, đáng nói nhiều người sau khi đã có “ma men” trong người nhưng vẫn điều khiển phương tiện, gây ra những hậu quả đau lòng. Hãy là người tham gia giao thông có trách nhiệm, phía trước tay lái là cuộc sống, đặc biệt không rượu bia tham gia giao thông để Tết an toàn, trọn vẹn hơn.

Chú thích ảnh

Công an TP Hà Nội kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Ảnh tư liệu: Lê Phú/Báo Tin tức

Quyết tâm ngăn chặn

Từ nhiều năm nay, cứ khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Trung Hiếu quê ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) lại gọi đó là “tuần lễ hiến gan”. Bởi theo phong tục quê anh, những người công tác tại cơ quan Nhà nước, từ Thủ đô về là thượng khách nên đi đến đâu cũng được mời ăn uống. Nên không ngày nào anh không phải uống 1 đến hai bữa rượu. Do uống nhiều bia rượu, gan không thải độc kịp, người mệt mỏi, nhưng anh vẫn phải di chuyển từ nơi này đến nơi kia.

Năm 2019, sau khi uống rượu, anh điều khiển xe máy từ nhà lên phố huyện và tự gây tai nạn cho bản thân. Năm đó, anh phải đón Tết trong bệnh viện. Anh tâm sự, nhiều khi mình muốn từ chối nhưng cũng rất khó, bà con, họ hàng cứ rót, thậm chí ép buộc uống rượu. Họ cho rằng, phải uống cạn, uống say mới là thật lòng. Nhưng suy từ bản thân, tôi thấy việc uống rượu, bia nhiều rất gây hại cho sức khỏe. Trước mắt là khi mình đã uống rượu bia, điều khiển phương tiện sẽ không chuẩn xác và linh hoạt, có thể gây tai nạn cho mình và người khác.

Tôi đã nhiều lần tuyên truyền nhắc nhở họ hàng, việc uống rượu giờ cũng cần phải khác xưa, cần phải loại bỏ những hủ tục không còn phù hợp. Trong trường hợp ai đó còn phải điều khiển phương tiện, thì tuyệt đối không mời họ uống rượu. Vì theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được Chính phủ ban hành ngày 28/9/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.11.2020 (thay thế Nghị định 176), ép người khác uống rượu bia, uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập có thể bị phạt 1-3 triệu đồng.

Với quyết tâm ngăn chặn, xử lý mạnh tay với "ma men" trong những ngày trước trong và sau Tết, cũng như xây dựng văn hóa giao thông từ việc xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, Công an thành phố Hà Nội đã vào cuộc với quyết tâm cao, tạo khí thế và chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm mới. Theo đó, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, Phòng Cảnh sát giao thông, phối hợp với các quận, huyện tổ chức tuần tra xử lý khép kín các khung giờ trong ngày và khắp các tuyến đường.

Xử lý không có vùng cấm

Ngay như đêm 22.1 tức đêm Giao thừa Tết Quý Mão 2023, tổ công tác Y1/141, Công an thành phố Hà Nội làm việc tại chốt Trần Nguyên Hãn - Lý Thái Tổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều chủ phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Đáng chú ý, tổ công tác đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt có trường hợp anh H.T.N, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) điều khiển xe máy đã vi phạm ở mức kịch khung 0,454 miligram/lít khí thở.

Anh H.T.N cho biết, đã uống rượu từ trưa sau bữa tiệc tất niên với bạn bè rồi mới lên hồ Hoàn Kiếm xem pháo hoa, nghĩ rằng đã hết nồng độ cồn. Tuy nhiên, khi kiểm tra anh vẫn bị vi phạm và cho biết cảm thấy ân hận, lần sau không uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tương tự trường hợp anh T. A. T ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng cho biết, trong lần đi ăn uống với bạn bè, trên đường điều khiển ô tô về nhà, anh bị Cảnh sát giao thông tuýt còi kiểm tra nồng độ cồn. Khi nghe công bố kết quả vi phạm 0,452 mg/lít khí thở được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức tiền phạt là 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày, khiến anh “sốc”, chân đứng không vững. Với anh, đây là bài học đắt giá cho việc đã dễ dãi nhận lời uống rượu. “Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, tôi sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về việc không uống rượu bia khi tham giao giao thông, vì nó có thể gây ảnh hưởng cho mình và cả xã hội. Có thể vì một vài chén rượu mà đánh đổi cả số phận”, anh T chia sẻ.

Theo Chỉ huy Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội), trên địa giáp ranh với các tỉnh thành như Hưng Yên, Bắc Ninh nên có nhiều phương tiện qua lại. Do đó, Công an huyện chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, thực hiện tuần tra khép kín địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn thời điểm từ 21 giờ hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Bên cạnh việc tuần tra khép kín xử lý vi phạm nồng độ cồn và bảo đảm an ninh trật tự các tổ công tác vừa linh hoạt xử lý, vừa kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện không vi phạm.

Quá trình xử lý các chủ phương tiện vi phạm vào đúng thời điểm năm mới nên nhiều người có quan niệm “đen”, “xui”, vì thế Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông tránh gây bức xúc không đáng có cho người vi phạm; giữ lễ tiết tác phong của người Công an nhân dân theo quy định. Lực lượng không chỉ chú trọng vào xử lý lỗi vi phạm, cần tuyên truyền nhắc nhở để người vi phạm thay đổi, hành vi thói quen khi tham gia giao thông.

Theo Công an thành phố Hà Nội, tất cả những lỗi vi phạm nồng độ dù ở mức cao hay thấp đều bị tạm giữ phương tiện và xử phạt nghiêm. Công an thành phố Hà Nội cho biết, nhờ sự vào cuộc tích cực, với tinh thần không có vùng cấm, cơ quan công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã đồng loạt tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Riêng trong vòng 1 tuần Tết từ ngày 14 đến hết ngày 21.1, đã kiểm tra, xử lý 1.076 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày 135 trường hợp), phạt tiền 7,535 tỷ đồng, tạm giữ 1.076 phương tiện các loại, trong đó có 298 ô tô, 760 mô tô, 18 phương tiện khác, tước 650 giấy phép lái xe.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Không rượu bia khi tham gia giao thông để Tết an toàn hơn