Uống rượu bia không chỉ hại gan mà còn tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Càng uống nhiều rượu bia thì nguy cơ mắc nhiều loại ung thư càng cao.
Uống rượu bia nhiều đã được chứng minh làm tăng rõ rệt nguy cơ mắc các loại ung thư khoang miệng, ung thư hầu họng, ung thư thanh quản, ung thư thực quản. Đặc biệt nguy cơ tăng cao hơn ở những người vừa hút thuốc lá và uống rượu.
Điều này được giải thích rượu có thể giúp các chất độc hóa học trong thuốc lá thâm nhập dễ dàng hơn vào các tế bào niêm mạc miệng, họng và thực quản. Đồng thời, rượu cũng làm giảm khả năng sửa chữa tế bào (DNA) bị hư tổn do chất độc có trong thuốc lá.
Với ung thư gan, uống rượu bia thường xuyên, nồng độ cao làm tổn thương các tế bào gan dẫn đến viêm gan, xơ gan và tăng khả năng bị ung thư gan. Trong thực tế, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan đến việc lạm dụng rượu bia và bệnh ung thư. Nếu uống nhiều bia rượu thì các chất sẽ kích thích tác động lên tế bào cơ thể. Trong đó tổn thương rõ nhất là ở khoang miệng và hầu họng. Các tế bào bị tổn thương do rượu, cố gắng tự sửa chữa, điều này có thể làm biến đổi các DNA và đây chính là một bước quan trọng có thể tiến tới ung thư. Rượu cũng làm tổn thương các tế bào gan, dẫn đến viêm gan, xơ gan.
Ngoài ra, rượu có thể tạo điều kiện cho các hóa chất độc thâm nhập dễ dàng hơn vào các tế bào lót ở đường tiêu hóa trên. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ mắc ung thư vùng miệng họng ở những người vừa hút thuốc lá vừa uống rượu cao hơn hẳn những người chỉ hút thuốc hoặc chỉ uống rượu.
Rượu ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ folate hay một số chất dinh dưỡng khác. Ví dụ folate là một loại vitamin B cần thiết cho cơ thể. Việc giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng có thể trở nên kém hơn ở những người nghiện rượu nặng, những người này thường có lượng folate rất thấp. Lượng folate giảm thấp có thể đóng vai trò là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và đại trực tràng. Ngoài ra, uống rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen, một hormone quan trọng trong việc phát triển nhu mô tuyến vú. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú tăng cao. Ghi nhận khác cho thấy uống quá nhiều rượu có thể bổ sung một lượng calo dư thừa trong chế độ ăn, làm tăng cân ở một số người. Việc thừa cân, béo phì đã được biết đến như là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiều loại ung thư khác nhau.
Đối với người bệnh ung thư trong và sau điều trị nếu uống rượu sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Sử dụng bia rượu sau điều trị có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Ở một số bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư, việc tiếp tục uống rượu có thể làm tăng nguy cơ một loại ung thư mới.
Trong quá trình điều trị, tuyệt đối không nên uống rượu bởi nó có thể là tác nhân kích thích gây nên tình trạng đau tăng lên, nhất là ung thư vùng miệng, hầu họng, thực quản… Rượu cũng có thể tương tác với các thuốc điều trị, làm tăng tác dụng phụ và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Sau khi kết thúc điều trị ung thư, việc có được uống rượu hay không cần cân nhắc kỹ lưỡng và cần được tư vấn chặt chẽ của nhân viên y tế. Đặc biệt, chú ý đến các yếu tố loại ung thư, nguy cơ tái phát, các biện pháp đã điều trị...
XUÂN KIÊN