Những thông tin cho rằng sẽ nới lỏng các cuộc thi quốc tế, không giới hạn quy mô, số lượng các cuộc thi hoa hậu trong nước khiến dư luận lo lắng về tình trạng loạn thi nhan sắc trở lại.
Mới đây, dự thảo quy định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) soạn thảo đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ phía các nhà tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người mẫu. Lý do, trước đây vì thả nổi mà tràn lan thi hoa hậu, loạn danh hiệu, thì sau một thời gian xiết chặt, đến lúc phía quản lý mở cửa thoải mái trở lại, liệu chuyện nhà nhà thi hoa hậu khi xưa có tái diễn?
Thông thoáng là cần thiết...
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, khách mời của Chương trình Vấn đề hôm nay với chủ đề Cởi trói thi nhan sắc trên VTV1, hiện có nhiều thay đổi về tổ chức thi hoa hậu trong dự thảo.
Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi trong nước. Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh.
Dự thảo mới cũng bỏ quy định cách gọi danh hiệu (trước đây cuộc thi cấp quốc gia mới được gọi là hoa hậu, nhỏ hơn là hoa khôi).
Ngoài ra, theo dự thảo nghị định mới, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt top 3 cuộc thi trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó.
Một điểm nữa cơ quan quản lý muốn thay đổi là giao toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo cuộc thi nhan sắc cho địa phương. Cấp trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát.
"Việc cấp phép trước đây của chúng ta vô tình tạo nên thương hiệu cho một cuộc thi. Chính sự vô tình đó dẫn đến việc người ta lấy thương hiệu để xin tài trợ, quảng bá rầm rộ cuộc thi, dẫn đến hệ lụy. Vì muốn tránh như thế, chúng ta sẽ không có cấp phép từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn nữa, mà trả lại quyền này cho địa phương", ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, điều chỉnh quy định đi thi quốc tế là hợp lý, bởi tùy theo thực tiễn cuộc sống mà thay đổi cách quản lý. Tương tự, Dự thảo cũng bỏ quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định UBND cấp tỉnh nơi cấp phép cho cuộc thi có thể thu hồi, hủy kết quả cuộc thi và không công nhận danh hiệu với những đối tượng là người mẫu, hoa hậu vi phạm quy định.
Có nhiều người cho rằng, việc nới lỏng, làm thông thoáng các quy định cấp phép thi hoa hậu khá cần thiết, vì nếu quản lý quá chặt thì người ta lại đem các cuộc thi nhan sắc ra nước ngoài tổ chức, càng thả nổi về chất lượng các cuộc thi. Trước đây, nhiều người đẹp chấp nhận bị phạt để thi chui các cuộc thi quốc tế, khi có giải lại mang về để nâng cấp thương hiệu và sắc đẹp của mình. Điều đó cũng không hợp lý, vì khi đi thi, họ không đại diện cho Việt Nam, mà chỉ đại diện cho chính cá nhân mình.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng sắp tới liệu việc gỡ bỏ cấp phép này sẽ khiến xuất hiện quá nhiều hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng... dẫn đến những cuộc thi kém chất lượng. Xuất hiện những cô gái tài sắc không đủ mà vẫn thành Miss nọ kia, rồi đổi tình lấy tiền, ra nước ngoài ăn mặc hở hang dưới cái mác thí sinh của Việt Nam.
Thậm chí khi bị khán giả ghét bỏ, có thí sinh vẫn cố đấm ăn xôi với danh hiệu. Rồi bỏ tiền mua bài xuất hiện quảng cáo ở khắp các mạng xã hội khoe lối sống giàu có, sang chảnh, phát ngôn kém suy nghĩ. Lâu ngày có thể lại thấy cô nọ anh kia bán dâm, cặp đại gia. Có danh tiếng thì lại càng dễ lợi dụng danh tiếng làm việc xấu, lừa đảo. Trước kia ít cuộc thi còn chưa quản nổi, nói gì lúc quá nhiều cuộc thi...
Nhưng trách nhiệm nhà quản lý đến đâu?
Phát biểu trên báo chí, một vị lãnh đạo Quốc hội từng lo ngại: "Không cẩn thận, thi người đẹp, người mẫu lại trở thành ngành kinh doanh béo bở, vì mục tiêu lợi nhuận, không chính đáng, làm méo mó đi hoạt động thi người đẹp...".
Trước đây, có những cuộc thi mà danh hiệu hoa hậu, nam vương được trao như mưa rào. Thậm chí, có những cuộc thi hết sức lạ lùng, như Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam..., bị khán giả phản ứng. Càng nhiều nơi tổ chức, càng xuất hiện nhiều cuộc thi cẩu thả, từ băng rôn, sân khấu cho đến giải thưởng, thậm chí, chuyện mua giải trở nên công khai. Đến khi đã có quyết định thu hồi danh hiệu, thì chính hoa hậu "hụt" đó không chịu trả vương miện... Nhiều người mượn danh hiệu để làm chuyện bất chính, tạo ra dư luận "hoa hậu bán dâm", thăng hạng để nâng giá "đi khách".
Theo giám đốc truyền thông của một công ty chuyên tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước, một cuộc thi lời hay lỗ phụ thuộc vào nhà tài trợ. Những cuộc thi càng có nhiều tài trợ thì càng có lời, nên không cần phải mua bán giải. Chỉ cần chọn ra top 3 xứng đáng, không bị dư luận phản ứng thì đã góp phần tăng giá trị của thương hiệu cuộc thi.
Cuôc thi Nữ hoàng trang sức 2011 lùm xùm chuyện mua bán giải và thí sinh phải đi tiếp rượu
Cũng theo vị giám đốc này, nếu đọc kỹ, thì thật ra vẫn cấp phép đối với thí sinh thi quốc tế, nhưng phía địa phương nơi quản lý nhân khẩu của hoa hậu cấp phép, giảm thủ tục từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn. Điều này cũng hợp lý.
Tuy nhiên, cũng cần phải quản lý các người đẹp khi đi ra đấu trường quốc tế để tránh việc họ làm bậy, bôi bẩn hình ảnh Việt Nam, nên cần có chế tài cụ thể, mức phạt cũng không chỉ "giơ cao đánh khẽ". Đây cũng là cái khó và đòi hỏi trách nhiệm cao từ phía nhà quản lý.
Còn việc cho tổ chức tràn lan, không giới hạn các cuộc thi sắc đẹp thì nhiều người cho rằng không nên. Giải pháp hạn chế loạn thi hoa hậu vẫn là nên chăng tuân theo quy định cũ, tỉnh chỉ cấp phép cho cuộc thi người đẹp, cục cấp phép thi hoa khôi, còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép thi hoa hậu. Nếu cấp nào tùy tiện cấp phép, để xảy ra sự cố thì cấp đó phải chịu trách nhiệm.
Theo Dân Việt