Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Sau hơn một năm thi hành, luật đã góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn hơn.
Do thiếu hiểu biết, một số người đã đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 lên mạng xã hội, gây hoang mang nên đã bị xử lý. Ảnh: Văn Tú
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn ra phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng, đưa các thông tin sai lệch về dịch bệnh nhằm trục lợi, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Việc xử lý các đối tượng này được Hải Dương triển khai rất quyết liệt. Nhờ thế, những ngày gần đây, người dân không còn tâm lý hoang mang như những ngày đầu, tình trạng nhiễu loạn về thông tin cũng đã cơ bản chấm dứt.
Ngày 10.2, Công an huyện Gia Lộc đã xử phạt Đào Văn Đông và Hoàng Thị Thanh Nga ở xã Nhật Tân 10 triệu đồng/người vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19. Khi các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ đo thân nhiệt và di chuyển 9 người Trung Quốc ở một nhà trọ trong xã ra khu vực cách ly tập trung, Đông đã dùng tài khoản Facebook cá nhân để quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội với nội dung “Corona đã đến làng Rồng”. Tiếp đó, Nga cũng chia sẻ video này lên trang Facebook của mình với nội dung “Corona đã về đến cửa nhà rồi, chạy đâu cho hết nắng”.
Trước đó, Nguyễn Văn Đức ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) cũng bị xử lý về hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Khoảng 19 giờ ngày 31.1.2020, Đức đã đăng trên trang Facebook "Vạn Sự Tùy Duyên" với nội dung: "Chính thức công ty bên Minh Đức là 2 anh nước ngoài đang làm việc thì gục xuống, đề nghị mai mấy anh em công nhân nghỉ làm để bảo vệ gia đình nhá, thông tin mới nhất của mấy bác đang làm phải bỏ về gấp vì sợ". Đến 22 giờ cùng ngày, Đức đã xóa bài viết trên. Thông qua mạng xã hội, thông tin này đã được chia sẻ đến nhiều người, gây hoang mang về tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc đưa tin sai sự thật về dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Từ đầu năm 2019 đến nay, trong tỉnh còn nhiều vụ việc về đưa tin sai sự thật trên không gian mạng đã bị xử lý.
Ngày 3.2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 15.4. Nghị định này được đánh giá là có quy định rõ hơn, mạnh mẽ hơn và phạt nặng hơn so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP đang áp dụng. Nghị định số 15 được kỳ vọng sẽ là "thanh kiếm sắc" chống những hành vi xấu, có hại trên không gian mạng.
Đáng chú ý, điều 101 của Nghị định 15 quy định mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc...
Trước và trong quá trình xây dựng Luật An ninh mạng từng xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là xuyên tạc về một số nội dung được quy định trong luật như luật sẽ "vi phạm quyền con người, hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận"... Nhưng trên thực tế, khi luật được đưa vào thực thi, mọi cá nhân vẫn được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật. Mặt khác, luật khi đi vào cuộc sống đã bảo vệ tốt hơn đời tư và lợi ích của người dân. Các hoạt động kinh doanh, buôn bán trên không gian mạng, hơn một năm qua vẫn diễn ra bình thường. Luật An ninh mạng không hề có tác động cản trở nào, miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Có thể khẳng định sau hơn một năm thi hành, Luật An ninh mạng đã có những tác động tích cực trong việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân… Cùng với việc xây dựng thiết chế pháp luật, điều quan trọng là mỗi người dùng mạng xã hội phải luôn tỉnh táo, sáng suốt trong việc đăng tải, tiếp nhận và chia sẻ thông tin nhằm góp phần xây dựng một môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh.
HÀ NGA - TÙNG LÂM