Không để ruộng hoang: Kinh nghiệm từ huyện Kinh Môn

02/11/2017 06:05

Trong khi tình trạng bỏ ruộng hoang đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương trong tỉnh thì huyện Kinh Môn, nơi vốn có lợi thế về phát triển công nghiệp lại tháo gỡ được khó khăn này.


Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp là một trong những nguyên nhân giúp nông dân Kinh Môn gắn bó với đồng ruộng

Đây là huyện điển hình của tỉnh không để ruộng hoang.

Nhận cấy 6,5 mẫu ruộng từ nhiều năm nay, gia đình chị Trần Thị Lấn ở thôn Thượng Trà, xã Tân Dân chưa khi nào có ý định từ bỏ đồng ruộng. Theo chị Lấn, nhiều người muốn ly nông vì sợ vất vả, lợi nhuận bấp bênh nhưng nếu biết tính toán thì sản xuất nông nghiệp vẫn có lãi. Gia đình chị chủ yếu cấy lúa nếp cái hoa vàng, năng suất 1,5 tạ/sào, với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg thu về khoảng 50 triệu đồng/vụ. Tính ra sau khi trừ chi phí, chị lãi từ 6-7 triệu đồng/tháng. “Bây giờ có máy móc hỗ trợ nên làm nông nghiệp không tốn nhiều thời gian, công lao động như trước. Gieo cấy chỉ bận rộn lúc thời vụ nên tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình, mở rộng chăn nuôi để tăng thu nhập. Chỉ lo nhất sâu bệnh, dịch hại nhưng nếu kiểm soát được các khâu thì lại không đáng ngại. Nếu bỏ ruộng làm công nhân, mức lương cũng chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng nhưng lại áp lực về thời gian”, chị Lấn nói.

Lý giải về việc nông dân tại địa phương gắn bó với đồng ruộng, ông Thân Văn Bừng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: “Ngoài kinh nghiệm thâm canh lâu năm của bà con thì hằng năm chính quyền các cấp còn có nhiều chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho người dân bám ruộng. Đồng thời, xã cũng chủ động xây dựng các phương án sản xuất, giúp nông dân biến khó khăn thành lợi thế". Xã có gần 200 ha đất nông nghiệp nhưng đa phần là trũng thấp. Do vậy, với những chân ruộng có khả năng gieo cấy, xã khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa đặc sản, cho giá trị kinh tế cao. Với những khu vực chua trũng, khó cải tạo thì chuyển đổi sang nuôi thủy sản. Ngoài ra, xã còn định hướng cho nông dân sản xuất sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhờ vậy mà người dân luôn yên tâm sản xuất.

Ngoài việc không bỏ ruộng hoang, xã Hiệp Hòa còn có hệ số sử dụng đất cao. Dù gieo cấy các giống lúa dài ngày, thời vụ gấp gáp nhưng xã luôn bảo đảm phương thức luân canh 2 lúa+1màu. Theo ông Dương Văn Tấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, tuy địa hình canh tác không thuận lợi, cốt đất không đồng đều, việc điều tiết thủy lợi khó khăn song người dân trong xã luôn tận dụng từng tấc đất, quyết không để ruộng hoang. Có được kết quả này là do những tác động không nhỏ từ phía cơ quan chuyên môn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, nông dân được tiếp cận các loại giống mới cho năng suất cao, được chuyển giao khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, tăng giá sản phẩm. “Vụ đông năm nay, chúng tôi thử nghiệm trồng hành bằng hạt theo kỹ thuật của các nước châu Âu. Người dân đang mong chờ, nếu hiệu quả sẽ mở rộng quy mô sản xuất. Nếu sản xuất nông nghiệp ngày một cải tiến, thu nhập của người dân được nâng cao thì người dân sẽ giữ ruộng”, ông Tấn khẳng định.



Nhiều năm nay, huyện Kinh Môn không để nông dân bỏ ruộng hoang


So với các địa phương khác, huyện Kinh Môn gặp nhiều bất lợi trong sản xuất nông nghiệp do địa hình bán sơn địa nên việc tổ chức sản xuất tập trung khó khăn. Mặt khác, sự phát triển công nghiệp làm gia tăng áp lực cho ngành nông nghiệp khi lực lượng lao động giảm sút. Bằng nhiều biện pháp, huyện đã khắc phục được trở ngại gặp phải và trở thành địa phương đi đầu trong tỉnh không để ruộng hoang. Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Kinh Môn luôn quan tâm tới sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, thực trạng cũng như định hướng phát triển nông nghiệp đều được các cấp, ngành nhìn nhận, đánh giá thấu đáo. Khi có dấu hiệu nông dân bỏ ruộng hoang, các đơn vị chuyên môn tích tực tìm giải pháp tháo gỡ. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và tăng cường liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, huyện luôn vượt kế hoạch sản xuất đề ra cho mỗi vụ, nhất là gieo trồng vụ đông.

Đối với những khu vực điều kiện canh tác khó khăn, huyện đều có cơ chế hỗ trợ hợp lý để động viên nông dân sản xuất. Gần đây, huyện cũng nghiên cứu nhiều phương án để hoàn thiện chuỗi sản xuất, quảng bá thương hiệu giúp gia tăng giá trị kinh tế cho các nông sản chủ lực của huyện. Mặc dù đất đai phân tán song huyện đẩy mạnh việc quy vùng, tập trung khai thác thế mạnh theo từng khu vực. Huyện quy hoạch vùng trồng hành, tỏi, sắn dây, vùng nếp cái hoa vàng, vùng phát triển cây ăn quả. Khi hiệu quả kinh tế nâng cao, người dân thấy được lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp mang lại thì cũng không còn tình trạng lãng phí đất đai.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để ruộng hoang: Kinh nghiệm từ huyện Kinh Môn