Để nâng cao chất lượng và hạn chế tối đa những yếu kém kéo dài, việc xây dựng, sửa chữa các công trình sử dụng ngân sách nhà nước cần giao cho các đơn vị có chuyên môn.
Ngày 8/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Công trình này là một điển hình trong việc quản lý đầu tư, xây dựng yếu kém dẫn đến các hạn chế kéo dài, khó khắc phục. Nhiều năm qua, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã phải dành nhiều thời gian để giải quyết cùng một vấn đề nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm.
Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương mới được UBND tỉnh phê duyệt lần đầu vào tháng 4/2003 và phê duyệt điều chỉnh nhiều lần sau đó với tổng vốn đầu tư hơn 345 tỷ đồng. Dự án do Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án đã được đưa vào hoạt động hơn chục năm nay dù chưa được nghiệm thu hoàn thành.
Qua rà soát, các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện, quản lý dự án như thủ tục pháp lý, hồ sơ quản lý chất lượng công trình, hiện trường xây dựng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, trạm xử lý nước thải, công tác thanh quyết toán… Các cơ quan chức năng đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với dự án này và kiến nghị chủ đầu tư khắc phục các hạn chế, trong đó có kiến nghị giảm trừ khối lượng, giá trị công trình. Bệnh viện cũng đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nguyên nhân sâu xa do chủ đầu tư và các đơn vị thi công chưa thực hiện hết trách nhiệm, hạn chế về chuyên môn xây dựng dẫn đến nhiều khiếm khuyết trong quá trình thực hiện.
Thực tế những năm qua, trên địa bàn tỉnh có không ít công trình sửa chữa, bảo trì trụ sở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các công trình sửa chữa thuộc ngành y tế, giáo dục còn hạn chế, gây khó khăn trong công tác nghiệm thu. Do năng lực của chủ đầu tư và các đơn vị tham gia còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Việc kiểm tra đánh giá hiện trạng khi thiết kế công trình chưa sát thực tế, dẫn đến quá trình thi công hầu hết các dự án đều có phát sinh so với khối lượng ban đầu được phê duyệt. Đa số các chủ đầu tư đều thuê tư vấn quản lý dự án nhưng có đơn vị không kịp thời tư vấn cho chủ đầu tư xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công. Thực tế này làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác cải tạo, sửa chữa dẫn đến chậm kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán công trình.
Xây dựng cơ bản là lĩnh vực đặc thù, khó, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện. Chính vì thế, pháp luật luôn quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn, yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng.
Để nâng cao chất lượng các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư và hạn chế các khuyết điểm kéo dài làm ảnh hưởng đến việc nghiệm thu, cần kiên quyết không giao các công trình, dự án cho chủ đầu tư không có năng lực chuyên môn, không đáp ứng đủ điều kiện năng lực thực hiện theo quy định. Các công trình sửa chữa, bảo trì trụ sở cơ quan, các công trình của ngành y tế, giáo dục, chủ đầu tư cần phối hợp cơ quan có chuyên môn là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh hoặc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư cần quy định rõ trách nhiệm, giám sát chặt chẽ các đơn vị tham gia từ tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Định kỳ kiểm điểm tiến độ thực hiện, kịp thời kiến nghị chính quyền và các cơ quan chuyên môn giải quyết các vướng mắc, tránh tình trạng “sự đã rồi” khiến các ngành chức năng phải chạy theo để giải quyết, tháo gỡ.
PHAN ANH