Khi các nhà thuốc được khuyến khích nhập và bán các kit xét nghiệm SARS-CoV-2 thì vấn đề người dân lo lắng là chất lượng và giá cả.
Ngay trước thềm năm mới 2022, UBND tỉnh yêu cầu trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 1 - 3.1.2022), các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê... không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang về.
Quyết định này được nhiều người đồng tình bởi số ca mắc Covid-19 của tỉnh trong tuần qua nhiều ngày ở mức 3 con số. Trong đó có ngày tới gần 200 ca như 29.12. Nếu không có biện pháp để kiềm chế, tỉnh sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về y tế mà vấn đề đang hiện hữu là thiếu sinh phẩm, vật tư xét nghiệm.
Lâu nay Tết dương lịch luôn là dịp để nhiều tổ chức, hội nhóm gặp gỡ liên hoan, các gia đình đoàn viên khi có nhiều ngày được nghỉ. Các nhà hàng, quán ăn cũng coi đây là dịp kinh doanh tốt vì nhu cầu đặt ăn tại quán thường tăng cao. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, và đặc biệt là năm 2021 này, việc phải đóng cửa rồi lại mở cửa, được bán tại chỗ rồi chỉ bán mang về đã trở nên quen thuộc với các chủ nhà hàng ăn uống. Hẳn là người kinh doanh dịch vụ này đã thích ứng được với hình thức kinh doanh linh hoạt thời dịch dù buồn, dù không muốn. Vì thế, phải dừng phục vụ tại chỗ trong 3 ngày nghỉ lễ hẳn không phải quá khó khi người kinh doanh sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi vì sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, quy định của tỉnh cũng nêu rõ, nếu vẫn bán tại chỗ thì phải đáp ứng các yêu cầu của tỉnh như đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho khách dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Liên quan đến câu chuyện test nhanh, từ khi tỉnh điều chỉnh chiến lược xét nghiệm theo hướng sử dụng test nhanh kháng nguyên trên diện rộng để sàng lọc SARS-CoV-2, xét nghiệm RT-PCR chủ yếu để khẳng định, nhiều địa phương, doanh nghiệp có thể giảm được chi phí cho việc xét nghiệm. Trong công văn mới nhất, UBND tỉnh cũng khuyến khích các nhà thuốc, quầy thuốc nhập test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép để phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong bối cảnh tỉnh đang thiếu kit test xét nghiệm, thủ tục đấu thầu mất nhiều thời gian thì việc khuyến khích các nhà thuốc kinh doanh sản phẩm này được coi là một trong các biện pháp giúp tỉnh bớt khó khăn khi người dân tự làm xét nghiệm. Đây cũng là biện pháp thích ứng an toàn và đề cao sự tự chủ của người dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều vật tư y tế khác, cái mà người dân quan tâm hiện nay là vấn đề giá cả và chất lượng.
Chúng ta từng chứng kiến trong các đợt dịch trước có lúc khẩu trang y tế đã tăng giá tới hơn 100.000 đồng/hộp, trong khi bình thường chỉ bán với giá 35.000 - 50.000 đồng/hộp. Rồi mới đây là các loại thuốc được cho là để điều trị Covid-19 được rao bán với giá có loại lên tới cả triệu đồng/vỉ. Cả chuyện đau lòng liên quan đến Công ty TNHH Công nghệ Việt Á khi kit xét nghiệm bị thổi giá, việc mua bán kèm theo "hoa hồng" nhiều tỷ... cũng làm người dân phải đắn đo. Đó là chưa kể việc bỏ tiền mua với giá cao nhưng chất lượng sản phẩm chỉ ở mức thấp.
Lo lắng của người dân là chính đáng, bởi một khi kit xét nghiệm chất lượng kém, cho kết quả không chính xác thì hậu quả khôn lường.
Trong hơn 2 năm qua, nhân dân đã đồng lòng chống dịch và sẽ còn tiếp tục chia sẻ, đồng hành với chính quyền trong việc "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Thế nhưng sự hợp tác này chỉ thực sự bền vững khi chính quyền kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng vật tư y tế phòng dịch, nhất là chất lượng test nhanh kháng nguyên lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, thực hiện không đúng chủ trương của tỉnh về công tác phòng chống dịch.
HOÀI ANH