Tham gia các lớp đào tạo do doanh nghiệp tổ chức giúp người lao động tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề.
Nhằm góp phần nâng cao trình độ, đặc biệt là kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ), bên cạnh việc đầu tư đổi mới công nghệ, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ.
Chi tiền tỷ cho đào tạo
Một trong những DN điển hình là Công ty CP Daikin Air Conditioning Việt Nam (quận 3, TP Hồ Chí Minh), hiện sử dụng 900 lao động. Là DN hoạt động trong lĩnh vực mua bán, sản xuất, sửa chữa thiết bị và sản phẩm cơ điện lạnh, do vậy bên cạnh việc đầu tư công nghệ hiện đại, nhiều năm qua, ban giám đốc công ty đặc biệt coi trọng việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ, xem đó là điều kiện cần để phát triển bền vững.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lý Thị Phương Trang, Giám đốc Công ty CP Daikin Air Conditioning Việt Nam, nhìn nhận dù máy móc hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được con người. Việc đầu tư công nghệ tại DN chỉ thực sự ý nghĩa khi nguồn nhân lực có đủ khả năng điều khiển, sử dụng thiết bị, công nghệ mới. Từ suy nghĩ ấy, tùy vị trí làm việc của NLĐ, công ty có kế hoạch phát triển và đào tạo riêng theo từng năm. Với quy trình bài bản này, đến nay, 100% NLĐ được cử đi học các lớp đào tạo trong nước. Đặc biệt, tùy yêu cầu phát triển của DN và năng lực làm việc của nhân viên, công ty tổ chức đưa họ ra nước ngoài đào tạo nâng cao, chủ yếu ở các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Ý… Tổng kinh phí dành cho chương trình này hơn 1 tỉ đồng mỗi năm". Như năm 2018, công ty đưa đi đào tạo 296 lao động, trong đó 12 người ra nước ngoài, với tổng kinh phí 1,8 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty đã đưa đi đào tạo 69 lao động (5 người học tập ở nước ngoài) với tổng kinh phí 2,2 tỉ đồng.
Với chính sách hỗ trợ này của ban giám đốc, nhiều NLĐ đã có sự trưởng thành vượt bậc về mặt nghề nghiệp và được đề bạt vào vị trí quản lý. Anh Ngụy Hoàng Dũng, Trưởng Phòng Kinh doanh giải pháp Công ty CP Daikin Air Conditioning Việt Nam, cho biết anh đã tham gia các khóa đào tạo ở Nhật, Úc, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Thời gian các khóa học từ 3 ngày đến 7 ngày. "Nhờ được tiếp cận công nghệ mới mà cá nhân tôi không bị tụt hậu về kiến thức, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm. Kiến thức học được giúp tôi thuận lợi hơn trong việc huấn luyện, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân (CN) trẻ" - anh Dũng bày tỏ.
Anh Bùi Minh Hải, công nhân Công ty TNHH Meinan Việt Nam, từng được đưa sang Nhật Bản học tập và làm việc 3 năm
Mở mang kiến thức
Tại Công ty TNHH Meinan Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung II, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), tất cả NLĐ đều được tạo cơ hội phấn đấu như nhau nếu chứng minh được khả năng chuyên môn.
Ở Công ty TNHH Meinan Việt Nam, mỗi năm, ban giám đốc chọn ra 10 CN có tay nghề cao để gửi sang Nhật Bản đào tạo chuyên sâu ở các ngành như quản lý chất lượng, kỹ thuật, sản xuất, kho lạnh… Trước khi ra nước ngoài, những CN này được học tiếng Nhật miễn phí tại chỗ và tham dự các khóa học nâng cao bên ngoài.
Là một trong những công nhân được DN gửi ra nước ngoài đào tạo, anh Bùi Minh Hải bày tỏ sự hài lòng về chính sách này của DN. Khi bước chân vào công ty, anh chỉ là một CN bình thường với khả năng ngoại ngữ hạn chế. Nhờ nỗ lực tự thân, anh được công ty cử đi học và làm việc ở Nhật Bản 3 năm. Theo anh, đó là trải nghiệm khó quên bởi anh không chỉ nâng cao được kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ mà còn học được tác phong làm việc chuyên nghiệp của các chuyên gia người Nhật.
Không chỉ là một quản lý sản xuất giỏi, anh Hải hiện còn là phiên dịch cừ khôi cho tổng giám đốc khi có khách đến tham quan nhà máy. "Hầu hết NLĐ được công ty cử sang Nhật đào tạo đều tiến bộ rõ rệt về ý thức, năng suất lao động. Họ còn được ban giám đốc tin tưởng, bố trí vào các vị trí quản lý quan trọng. Điều đó chứng tỏ việc đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có lợi cho cả DN lẫn NLĐ" - ông Nobuyuki Takakuwa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Meinan Việt Nam, khẳng định.
Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (KCN Tân Bình, TP HCM) thường xuyên mở các lớp ngoại ngữ như tiếng Nhật, tiếng Hàn miễn phí tại chỗ cho NLĐ. Chương trình học ngoại ngữ rất phong phú, từ lớp sơ cấp đến nâng cao và mở rộng cho tất cả lao động từ nhân viên văn phòng đến CN ở xưởng sản xuất. Mỗi lớp có khoảng 20-30 NLĐ tham gia. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng mềm cho cấp quản lý, tổ trưởng trở lên như khả năng phản biện, giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo… Riêng đối tượng CN trực tiếp sản xuất, mới đây công ty phối hợp cùng Công đoàn ngành Dệt may TP, Trường Trung cấp nghề Tôn Đức Thắng mở lớp trung cấp cắt may tại DN với 31 học viên theo học. "CN theo học được ưu tiên về thời gian, không phải tăng ca, được bố trí bữa ăn chiều trước khi vào lớp. Hiện số CN này đang làm bài thi tốt nghiệp với chi phí 4-5 triệu đồng/người do công ty hỗ trợ. Những ai có kết quả học tập tốt, chắc chắn sẽ được bố trí vào các vị trí quản lý" - ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, nhận định.
Xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi NLĐ phải có ý thức nâng cao trình độ học vấn lẫn tay nghề. Do vậy, nếu được DN hỗ trợ, tạo điều kiện thì NLĐ phải biết nắm bắt cơ hội để tự vươn lên". Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh |