Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Australia đã thách thức lối suy nghĩ trên bằng việc chỉ ra rằng dù mưa hay nắng, thời tiết không có mối liên hệ trực tiếp đến hầu hết các cơn đau nhức của con người.
Một nghiên cứu do Đại học Sydney (Australia) dẫn đầu, được công bố trên tạp chí Seminars in Arthritis and Rheumatism gần đây, phát hiện rằng không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa thời tiết và các cơn đau cơ xương khớp.
Giáo sư Manuela Ferreira tại Đại học Sydney, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết mọi người thường cho rằng các triệu chứng về cơ xương khớp như đau lưng, đau hông hoặc các triệu chứng viêm khớp sẽ tăng lên trong một số điều kiện thời tiết nhất định.
Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm đã thách thức lối suy nghĩ trên bằng việc chỉ ra rằng dù mưa hay nắng, thời tiết không có mối liên hệ trực tiếp đến hầu hết các cơn đau nhức của con người.
Trong nghiên cứu trên, các chuyên gia đã tổng hợp dữ liệu của các đợt nghiên cứu quốc tế hiện có về thời tiết và tình trạng đau cơ xương khớp của hơn 15.000 người tham gia nhằm đánh giá mối liên hệ giữa hai hiện tượng này.
Những người tham gia đã ghi nhận 28.000 đợt xuất hiện các cơn đau mới hoặc các đợt gia tăng mức độ đau cơ, khớp ở những người vốn đã bị tình trạng này trước đây. Trong đó, viêm khớp gối hoặc hông là tình trạng phổ biến nhất được ghi nhận, tiếp sau là đau thắt lưng và viêm khớp dạng thấp (RA - Rheumatoid Arthritis).
Kết quả đánh giá của nhóm cho thấy những thay đổi về nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, áp suất và lượng mưa dường như không dẫn đến nguy cơ xuất hiện các triệu chứng đau đầu gối, hông hoặc lưng dưới và không liên quan đến việc bệnh nhân tìm đến các cơ sở y tế để được điều trị viêm khớp.
Các chuyên gia khẳng định phát hiện trên đã làm sáng tỏ một lầm tưởng về y học vốn tồn tại phổ biến, đồng thời đưa ra lời cảnh báo quan trọng rằng các bệnh nhân không nên để vấn đề thời tiết làm ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị.
Nhóm cho rằng nghiên cứu đã nêu một vấn đề vĩ mô, đó là có khoảng 25% dân số Australia đang phải đối mặt với bệnh cơ xương khớp mãn tính, trong khi vẫn tồn tại những quan niệm sai lầm và các lựa chọn điều trị còn hạn chế, nhất là bệnh nhân thường phải tự tìm hiểu về tình trạng bệnh lý của mình mà không có sự hỗ trợ thích hợp.
Giáo sư Ferreira nhấn mạnh: “Khi tìm cách ngăn ngừa và giảm đau, cả bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng nên tập trung vào tình trạng người bệnh, bao gồm kiểm soát cân nặng và tập thể dục, thay vì để thời tiết ảnh hưởng đến việc điều trị".
Ngoài ra, một vấn đề khác mà nghiên cứu phát hiện là nhiệt độ tăng cao và độ ẩm thấp có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ xuất hiện các cơn đau ở những người bị gout do thời tiết ấm lên có thể dẫn đến mất nước và tăng nồng độ axít uric.
T.H (theo Vietnam+)