Không chủ quan, không hoang mang

06/02/2020 07:53

Bình tĩnh, chủ động, không chủ quan, song cũng không hoang mang là yêu cầu rất cấp thiết trong phòng chống dịch bệnh do nCoV.

Trong những ngày dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp trên thế giới và một số địa phương trong nước, cơ quan chức năng đã chủ động khuyến cáo người dân hạn chế đi lễ hội và tham gia các hoạt động đông người. Những người tham gia các hoạt động nêu trên cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh…

Dù số lượng người tham gia các hoạt động đông người đã giảm so với trước song vẫn còn không ít. Cảnh người đi lễ đền, chùa nhưng không đeo khẩu trang cũng không hiếm. Nhiều người thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với số đông người khác như lái xe, người bán hàng, nhân viên hành chính… không đeo khẩu trang, dù đây là một biện pháp phòng dịch dễ thực hiện. Những người bị ho, sốt nhưng khi ho không che miệng, khạc nhổ bừa bãi. Mặc dù các bệnh nhân vào khám chữa bệnh tại cơ sở y tế được khuyến cáo cần đeo khẩu trang song một số người vẫn không làm.

Khi tiếp xúc để xử lý một trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm bệnh đầu tiên trong tỉnh (bệnh nhân Zhou YuChao ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), 18 y, bác sĩ, kỹ thuật viên, lái xe của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Cấp cứu 115 phải cách ly trong gần 4 ngày. Chỉ khi mẫu xét nghiệm của bệnh nhân cho kết quả âm tính, những người bị cách ly mới thở phào nhẹ nhõm. Qua sự việc này cho thấy những biểu hiện chủ quan, thiếu sót nhất định trong quy trình xử lý chuyên môn, dẫn tới sự việc chỉ có 1 bệnh nhân nghi nhiễm mà quá nhiều nhân viên y tế bị cách ly.

Sự chủ quan trong phòng chống dịch chủ yếu là do chưa ý thức hết sự nguy hiểm, dễ lây lan nhanh của dịch bệnh, còn có tư tưởng rằng Hải Dương chưa có người nhiễm bệnh nên không phải lo.

Trái ngược với sự chủ quan, thờ ơ trong phòng chống dịch là những biểu hiện hoang mang, lo lắng thái quá. Có người thấy người khác mới húng hắng ho, không phải ho thường xuyên do bị ốm nhưng đã lo sợ và quy kết rằng người này nghi bị nhiễm nCoV. Một số người khuyên nhau tích trữ lương thực, thực phẩm.

Sự lo lắng thái quá biểu hiện rõ ràng nhất ở những tin đồn vô căn cứ cả ngoài đời thực và trên mạng xã hội. Những người phao các tin đồn này, trừ những người cố ý xuyên tạc, kích động, có lẽ nhiều người là do thiếu hiểu biết, “nghe hơi nồi chõ”. Thời gian qua, lực lượng công an ở các địa phương đã kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu tới công tác phòng chống dịch.

Bình tĩnh, chủ động, không chủ quan, song cũng không hoang mang là yêu cầu rất cấp thiết trong phòng chống dịch bệnh do nCoV. Trong thời gian có dịch, mỗi người dân nên chủ động, tự giác thực hiện các khuyến cáo của cơ quan chức năng như hạn chế tham gia các hoạt động đông người, nếu tham gia cần đeo khẩu trang, có ý thức phòng ngừa dịch bệnh, quan tâm vệ sinh thân thể, bảo vệ sức khỏe.

Các cán bộ, nhân viên y tế khi tiếp xúc, xử lý các trường hợp nghi nhiễm nCoV cần thực hiện nghiêm điều kiện, quy trình chuyên môn để phòng ngừa lây nhiễm. Người dân cần nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, đáng tin cậy, không tin và chia sẻ những tin đồn thiếu căn cứ, thông tin chưa kiểm chứng.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan, không hoang mang