Không chỉ dừng lại ở Tháng Công nhân

26/04/2018 08:51

Hiện nay, một số nơi trong tỉnh đã phát động Tháng Công nhân khởi động cho một chuỗi các hoạt động ý nghĩa chăm lo, đãi ngộ đối với lực lượng lao động quan trọng này.

Chủ đề của Tháng Công nhân năm nay là "Mỗi công đoàn cơ sở - một lợi ích đoàn viên". 

Với chủ đề trên, chắc chắn sẽ có thêm nhiều chương trình phúc lợi, nhiều hoạt động hoặc mô hình chăm lo lợi ích cho đoàn viên, công nhân, lao động (CNLĐ) được triển khai. Đó sẽ là sự khích lệ, động viên đối với CNLĐ. 

Không chỉ trong Tháng Công nhân mà ở một số doanh nghiệp, CNLĐ thường xuyên được quan tâm chăm lo chu đáo, bảo vệ quyền lợi. Có nơi đã xây dựng nhà trẻ để công nhân gửi con miễn phí, giờ nhận và đón trẻ phù hợp với đặc thù làm tăng ca hay đi sớm, về muộn của công nhân. Có nơi xây dựng được bếp ăn hiện đại tiêu chuẩn "5 sao"...

Thế nhưng những hoạt động trên chủ yếu chỉ tập trung ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có bề dày phát triển và uy tín. Còn ở nhiều doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, khái niệm về Tháng Công nhân có lẽ còn khá xa vời. Đời sống của một bộ phận không nhỏ CNLĐ trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Thu nhập thấp, thường xuyên bị ép tăng ca, bị giao làm thêm những việc không có trong hợp đồng lao động, bị đối xử thiếu văn hóa... là những bức xúc mà nhiều CNLĐ phải đối mặt hằng ngày. Đời sống tinh thần của đại bộ phận công nhân còn nghèo nàn.

Cả ngày họ chôn chân ở công xưởng, tối về có khi còn phải tranh thủ làm thêm nghề phụ hoặc bán hàng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống nên họ chẳng còn thiết tha gì đến ti vi, sách, truyện... Các mối quan hệ dần bị thu hẹp nên ngày càng nhiều công nhân bị quá lứa lỡ thì. Nhiều người thậm chí còn sợ kết hôn, sinh con bởi khi bước vào hôn nhân, cuộc sống của họ chẳng qua cũng chỉ là bước từ bế tắc này sang bế tắc khác với vô số nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền. Nhiều cặp vợ chồng công nhân phải dứt ruột gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc do không thể kham nổi số tiền gửi trẻ quá cao, chi phí sinh hoạt, thuê trọ liên tục leo thang... 

Hải Dương hiện nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có số vụ ngừng việc tập thể cao nhất cả nước. Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ ngừng việc tập thể với gần 7.100 CNLĐ tham gia (bằng về số vụ nhưng tăng hơn 3.700 người tham gia so với năm 2016). Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp chậm thanh toán tiền lương, tiền phép năm, chất lượng bữa ăn ca không bảo đảm, tổ chức làm thêm giờ nhiều, cán bộ quản lý có lời nói, hành động xúc phạm CNLĐ... Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể. Gần đây nhất (tháng 3.2018), gần 1.400 CNLĐ Công ty TNHH Bai Hong ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) đình công yêu cầu được thanh toán tiền phép năm dứt điểm trong năm; tăng tiền ăn ca, hỗ trợ chuyên cần...  

Điều kiện làm việc của CNLĐ ở nhiều nơi cũng chưa được quan tâm như thiếu các thiết bị bảo đảm an toàn lao động,  doanh nghiệp không có quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn... Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 245 vụ tai nạn lao động và tai nạn giao thông trên đường đi làm khiến 23 người lao động thiệt mạng (tăng hơn 100 vụ so với năm2016). 

Cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đời sống cho CNLĐ là trách nhiệm không chỉ của riêng tổ chức công đoàn các cấp mà phải kéo được chủ doanh nghiệp vào cuộc. Hãy tổ chức các hoạt động tri ân CNLĐ nhưng không phải chỉ trong Tháng Công nhân mà phải thường xuyên, liên tục. Bởi có như thế họ mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chỉ dừng lại ở Tháng Công nhân