Nền kinh tế đã của ta sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
Đại dịch Covid-19 như một cơn sóng thần khủng khiếp càn quét khắp địa cầu để lại những tang thương trên đường đi. Khi cơn sóng dữ đang dần rút đi, việc “mở cửa trở lại nền kinh tế” đang là mong mỏi của hàng triệu người lao động mất việc làm và là trăn trở của bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới.
Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định không có chiến dịch nào gọi là “mở cửa trở lại”, bởi vì nền kinh tế Việt Nam chưa từng đóng cửa, mà chỉ là “nếu như trước khi xuất hiện dịch bệnh chúng ta đã rất cố gắng trong phát triển kinh tế thì giờ đây, phải cố gắng gấp đôi, gấp ba”. Thay vì “mở cửa nền kinh tế”, cụm từ mà người đứng đầu Chính phủ ta nhấn mạnh là “khơi thông huyết mạch kinh tế”.
Nằm giáp biên giới với quốc gia tâm dịch ban đầu là Trung Quốc nhưng nhờ sớm chủ động thực hiện quyết liệt mọi biện pháp phòng ngừa, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, được bạn bè thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Đảng và Nhà nước ta đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ an toàn và sức khỏe của người dân. Đó là một chủ trương đầy nhân văn. Nhưng chúng ta không hy sinh một chiều và cực đoan. Ngay cả khi làn sóng dịch bệnh đang ào tới nguy cấp, chúng ta cũng không “đóng cửa nền kinh tế”. Trong 15 ngày cao điểm thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực rất cao để người dân có được cảm giác yên ổn nhất trong tình cảnh dịch bệnh. Không chỉ các siêu thị mà các chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động. Một số nhà máy, cơ sở sản xuất... vẫn được phép hoạt động.
Đảng và Chính phủ ta xác định song song hai nhiệm vụ: bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống, khống chế, không cho lây lan dịch bệnh nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định.
Tính chất của dịch Covid-19 lần này cho thấy, việc dự báo tác động của dịch đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay vì nó có thể vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Do vậy, để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
“Biến nguy thành cơ”. Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân và ổn định xã hội. Khi dịch bệnh dịu đi cũng là lúc những mối lo đời sống kinh tế nổi lên, đòi hỏi chúng ta khi “khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba”. Với niềm tin ở sự điều hành, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước lúc này đang sẵn sàng tiếp tục đồng lòng, chung sức vượt qua những khó khăn, thách thức tiếp theo do tác động của đại dịch gây ra.
THU HẰNG