Chỉ với nửa đầu tháng 7, nhà đầu tư chứng khoán đã dồn dập trải qua hàng loạt cảm xúc, từ vui mừng vì VN-Index lập đỉnh cao, sàn HoSE có hệ thống mới, đến toát mồ hôi khi thị trường giảm sốc và rồi thận trọng dò xét, chờ cơ hội.
Giữa lúc thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư ngoại liên tục mua ròng. Trong ảnh: nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh) theo dõi thị trường (ảnh chụp trước khi thành phố giãn cách)
Trong hai tuần nay, giới đầu tư chứng khoán liên tục trải qua hàng loạt cảm xúc. Ngay đầu tháng, VN-Index lập đỉnh mới 1.420,27 điểm ngày 2.7), mốc cao nhất trong hơn 20 năm thị trường chứng khoán Việt.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu, đến phiên 12.7, VN-Index có lúc giảm hơn 76 điểm, mức giảm sâu nhất lịch sử về mặt điểm số.
Kể từ khi VN-Index lập đỉnh cao mới, trải qua hai tuần nay, chỉ số này đã giảm đến 121 điểm, hiện neo mốc 1.299,31 điểm.
Cũng trong thời gian đó, vốn hóa sàn HoSE cũng bị "cuốn bay" 452.100 tỉ đồng (-19,6 tỉ USD) xuống còn 4,87 triệu tỉ đồng.
Lội ngược dòng, khối ngoại mua ròng tới 6.585 tỉ đồng trong nửa đầu tháng này. Top 3 ngành có cổ phiếu được mua ròng mạnh thuộc về bất động sản, tài nguyên cơ bản, thực phẩm và đồ uống.
Ngược lại, cổ phiếu nhóm bảo hiểm, bán lẻ và y tế lại bị sức ép bán ròng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 25.650 tỉ đồng, tương đương 1,12 tỉ USD.
Xét biến động giá cổ phiếu trong vòng nửa tháng nay, ở "câu lạc bộ" tỉ đô này chỉ có Thế giới di động (MWG) và Tập đoàn Masan (MSN) ghi nhận tăng trưởng với tỉ lệ +10,6% và +9,1%. Điểm chung là cả hai đều sở hữu chuỗi bán hàng thiết yếu, được người tiêu dùng quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong đó Thế giới di động nắm Bách Hóa Xanh, Masan điều hành Vinmart.
Có thể thấy nhóm bán lẻ có sự phân hóa rõ rệt về giá cổ phiếu. Bởi trừ hai gương mặt trên, thì nhiều doanh nghiệp lớn khác lại chịu sức ép cổ phiếu rớt giá, như FPT (FPT, -1,4%), Vinamilk (VNM, -5%), Sabeco (SAB, -6,6%).
Đáng chú ý, tất cả 17 nhà băng nằm trong "câu lạc bộ" vốn hóa tỉ đô đều bị rớt giá cổ phiếu trong nửa đầu tháng này. Riêng MBBank (MBB) và VietinBank (CTG) là hai ngân hàng có biến động giá cổ phiếu giảm sâu, với tỉ lệ -32,9% và -34,3%.
Các "ông lớn" của mảng năng lượng cũng chịu sức ép bị nhà đầu tư thoát hàng, như PetroVietnam Gas (GAS, -3,2%), Petrolimex (PLX, -6,8%), PetroVietnam Power (POW, -12%).
Cả nhóm xây dựng, bất động sản cũng bị áp lực rớt giá cổ phiếu, trong đó mức giảm trên 10% rơi vào Vingroup (VIC, -11,1%), Vincom Retail (VRE, -12,8%), Novaland (NVL, -13,6%), Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM, -20,8%).
Hai hãng hàng không Vietjet (VJC) và Vietnam Airlines (HVN) đều chung cảnh rớt giá cổ phiếu, với tỉ lệ lần lượt -5% và -7,6%.
Một số doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành khác hiện diện trong "câu lạc bộ" tỉ đô cũng gặp áp lực giá cổ phiếu bị giảm, như Chứng khoán SSI (SSI, -4%), Tập đoàn Hòa Phát (HPG, -9,2%) và Tập đoàn Bảo Việt (BVH, -12,7%).
Khép lại nửa đầu tháng 7, với việc VN-Index tạm dừng ở mốc 1.299,31 điểm, Chứng khoán SSI nhận định: "Lực cầu bắt đáy giá thấp hiện tại vẫn đang còn yếu nên nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang kèm với thanh khoản thấp, đồng thời hình thành một nền tích lũy đủ mạnh trước khi quay lại xu hướng tăng".
Về diễn biến đầu tuần tới, phía Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dự đoán: "VN-Index có thể vẫn chứng kiến sự điều chỉnh vào đầu tuần tới, nhưng sau đó tiềm năng sẽ xuất hiện sự hồi phục".
Theo Tuổi trẻ