Với khao khát làm chủ trên mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Minh Hòa (Kinh Môn) đã mạnh dạn đầu tư vốn mở xưởng may, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Như nhiều bạn trẻ khác ở xã Minh Hòa, chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1989) sang TP Hải Phòng làm công nhân tại một doanh nghiệp may khi 17 - 18 tuổi. Với sự miệt mài, chăm chỉ, chị nhanh chóng lên vị trí tổ trưởng, rồi chuyển sang bộ phận kỹ thuật. Trau dồi kinh nghiệm qua nhiều vị trí nên những công việc, yêu cầu kỹ thuật của ngành may mặc chị đều nắm rõ. Làm công nhân tại Hải Phòng hơn 10 năm, tay nghề vững vàng, lại được sự ủng hộ của gia đình, chị về quê mở một xưởng may nhỏ và tham gia công tác Đoàn ở địa phương.
Ban đầu, xưởng may của chị chỉ có 10 máy may, chủ yếu là các chị em trong xã nhận hàng của các công ty về gia công những chi tiết may, hoàn thiện, đóng gói và trả hàng.
Khát khao mở rộng quy mô và làm chủ một xưởng may lớn hơn, chị thuyết phục bố mẹ giúp đỡ về diện tích đất. Với số vốn tích lũy sau nhiều năm đi làm và vay thêm từ người thân, chị mở nhà xưởng rộng 300 m² trên địa bàn xã, đầu tư mua máy may, máy cắt, máy vắt sổ, máy đánh khuy để hoàn thiện dây chuyền sản xuất may mặc quần áo. Quy mô mở rộng hơn, chị thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đức Thịnh Phát 559.
Tổng số vốn ban đầu chị bỏ ra để xây dựng, mua máy móc khoảng 1 tỷ đồng. Chỉ sau khoảng 3 tháng đi vào hoạt động, công ty đã bắt đầu có lãi.
Xưởng của chị Hằng nhận gia công các chi tiết trong ngành may mặc, chủ yếu là quần áo. Lúc mới khởi nghiệp, chị gặp khó khăn về tìm đơn hàng. Khi đã có đơn hàng, chị lại gặp khó trong việc tìm nhân công. Bởi lẽ lao động trẻ hiện đi làm xa, ít người còn làm việc tại địa phương. Nhờ uy tín, chất lượng công việc, chế độ đãi ngộ tốt và lợi thế gần địa phương, công ty của chị dần thu hút được nhiều lao động quay trở về làm việc. Tại đây, nhiều chị em có thể tranh thủ buổi trưa về nhà nghỉ ngơi, không phải đi sớm, về muộn, có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.
Đa số công nhân khi vào Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đức Thịnh Phát 559 làm đều đã có tay nghề và kinh nghiệm may nên bắt nhịp công việc, dây chuyền sản xuất rất nhanh. Ai chưa có tay nghề sẽ được chị Hằng và các chị em đào tạo, hỗ trợ lương.
Hiện nay nhu cầu may gia công các sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp lớn rất dồi dào nên các công ty, xưởng may gia công nhỏ như của chị Hằng có nhiều đơn hàng. Để duy trì được các đơn hàng, chị luôn sát sao công việc, theo dõi sản phẩm, tay nghề công nhân, bảo đảm chất lượng hàng hóa, tiến độ giao hàng.
Tùy vào mức độ khó dễ của từng mã hàng gia công, mỗi ngày các công nhân làm được từ 300-700 sản phẩm. Công ty đang tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi tháng đạt khoảng 180 triệu đồng.
“Tôi mong muốn tổ chức Đoàn có thể kết nối, giới thiệu nhiều người đến làm việc tại công ty để mở rộng quy mô xưởng, tạo việc làm cho các bạn trẻ ở quê hương", chị Hằng bày tỏ thêm nguyện vọng.
Anh Đỗ Văn Huân, Bí thư Đoàn xã cho biết, xã Minh Hòa gần khu công nghiệp của TP Hải Phòng nên nhiều bạn trẻ sau khi ra trường sang đó làm với mức lương cao hơn nhưng phải đi qua đò vất vả. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm chủ, chị Hằng đã mở xưởng may tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn xã và các xã lân cận. Chị Hằng là gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của xã.
LINH LINH