Sống vì bản thân mình nhưng người trẻ cũng nên nhìn rộng hơn, xa hơn về những gì mình nhận được khi cống hiến.
Ảnh minh họa
“Nếu làm việc này, em sẽ nhận được lợi ích gì?” - đó là câu hỏi của một số bạn trẻ ở công ty của bạn tôi mỗi khi họ được giao thêm việc đột xuất. Bạn tôi than thở, công ty chưa bao giờ bạc đãi nhân viên nhưng vì đặc thù công việc nên hay phải làm ngoài giờ. Trong khi hầu hết nhóm người trung tuổi đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà không hỏi “mình sẽ được gì” thì những bạn trẻ này lại luôn đặt vấn đề lợi ích mà mình sẽ nhận được lên hàng đầu. Họ luôn yêu cầu phải tính tiền làm thêm giờ, chế độ nghỉ bù… nếu việc giao thêm phải làm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Trong trường hợp phải làm thêm việc mà không có thêm chế độ, sẽ có người tìm cách thoái thác với rất nhiều lý do.
Bạn tôi hoài nghi liệu có phải đa số thanh niên bây giờ đều như vậy, chỉ luôn nghĩ đến bản thân mình? Tôi bảo, không phải ai cũng thế. Chuyện mấy bạn trẻ yêu cầu được bảo đảm quyền lợi theo quy định của pháp luật đối với người lao động là chính đáng. Chẳng qua là tinh thần sẵn sàng cống hiến, tình nguyện vì công ty của các bạn ấy không cao mà thôi. Sự không tình nguyện này có thể do công ty của bạn chưa đủ tốt để họ thấy sẵn sàng cống hiến mà không đòi hỏi gì cả, cũng có thể như bạn tôi nói, họ thuộc một bộ phận của giới trẻ chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Tôi dẫn chứng cho bạn mình, chẳng phải chuyện xa xôi từ thời kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ của thế hệ cha ông ta thế kỷ trước, mà mới đây thôi trong trận chiến với Covid-19 rất nhiều bạn trẻ đã tình nguyện vào tâm dịch hỗ trợ người dân: mang cơm, chuyển đồ, thu hoạch hoa màu, trực chốt, hướng dẫn làm xét nghiệm… Họ đã làm việc với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ chỉ với mong muốn được đóng góp sức mình vì sức khỏe cộng đồng. Trong các chiến dịch hè tình nguyện hằng năm cũng vậy, rất đông đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia dọn vệ sinh môi trường, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, giúp đỡ người có công, dạy học miễn phí, cắt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo… 1.557 công trình, phần việc thanh niên, tổng trị giá gần 20 tỷ đồng được tuổi trẻ Hải Dương thực hiện trong 5 năm vừa qua là con số ấn tượng được đưa ra trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh vừa tổ chức. Đây không hẳn chỉ là những con số làm đẹp báo cáo, mà thực tế nhiều việc làm tình nguyện của tuổi trẻ đã được nhân dân, các cấp, các ngành ghi nhận.
Phát biểu tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương lần thứ XIV vừa qua, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu đã đề nghị các cấp bộ đoàn cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên. Đây là vấn đề tưởng dễ mà không đơn giản chút nào. Thực tế, tại nhiều gia đình hiện nay, mỗi khi yêu cầu con cái làm một việc gì đó, một số cha mẹ thường hay ra điều kiện, ví như nếu con làm việc A, mẹ sẽ cho con phần thưởng B. Cái gọi là “phần thưởng” sử dụng đúng lúc, đúng chỗ thì có tác dụng khích lệ, động viên, nhưng nếu trở thành điều kiện thì lâu dần sẽ hình thành ở đứa trẻ tính cách làm việc gì cũng đòi hỏi đãi ngộ mà không nghĩ đến việc phải tự nguyện làm việc đó vì chính bản thân mình hoặc vì người thân trong gia đình. Lớn lên, ra ngoài xã hội họ sẽ dễ thành người chạy theo lợi ích cá nhân, ít vì cộng đồng, thiếu tinh thần cống hiến, tình nguyện.
Người trẻ sống vì bản thân mình nhưng nên nhìn rộng hơn, xa hơn những gì mình nhận được khi cống hiến, hơn là chỉ thấy những lợi ích vật chất trước mắt. Ví như bạn dấn thân, cống hiến sức trẻ cho các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, cho các hoạt động sáng tạo, chuyển đổi số… bạn sẽ được kinh nghiệm, kỹ năng sống và nhiều mối quan hệ xã hội. Những lợi ích này có giá trị hơn bất cứ khoản tiền thưởng nào. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.
HOÀI ANH