Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tập trung vào động lực tăng trưởng thứ ba, đó là thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản... Nghị định này còn hiệu lực đến cuối năm 2023 nhưng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến giữa năm 2024 để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Điều gì khiến Chính phủ tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian giảm 2% VAT thêm 6 tháng? Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý III/2023 của Việt Nam đạt 5,33%. Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,24%, mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, trừ giai đoạn Covid-19 và rất khó đạt mục tiêu Quốc hội giao là 6,5%. Nhìn vào 3 động lực tăng trưởng kinh tế gồm xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng nội địa trong 9 tháng qua cho thấy nền kinh tế có sự phục hồi nhẹ nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Xuất khẩu quý III phục hồi so với quý II nhưng chưa thực sự bứt phá. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm vẫn dương khi xuất siêu đạt 21,68 tỷ USD. Xuất khẩu ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2%; nhập khẩu ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Hải Dương cũng tương tự, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ước đạt 7,288 tỷ USD, giảm 8,9%; nhập khẩu ước đạt hơn 5,804 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Có thể thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng vẫn xuất siêu nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm. Nhập khẩu giảm mạnh hơn phản ánh thực trạng tình hình kinh tế thế giới khó khăn, thiếu đơn hàng khiến quy mô sản xuất trong nước bị thu hẹp, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu thấp, người lao động mất việc làm.
Động lực thứ hai là chi tiêu của Chính phủ cũng chưa đạt yêu cầu. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm có chuyển biến nhưng chưa thực sự tăng tốc. Hết quý III, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch trong khi mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm 2023 phải đạt ít nhất 95%. Tại Hải Dương, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn bình quân cả nước. Tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh giải ngân hơn 2.156,6 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch.
Hai động lực tăng trưởng gặp nhiều khó khăn, trong đó có những vấn đề Chính phủ không thể can thiệp được, đó là xuất khẩu. Hai thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Việt Nam gồm Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục đối mặt với lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt, tiêu dùng của người dân suy giảm.
Vì vậy cần tập trung vào động lực tăng trưởng thứ ba, đó là thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Trong khi chính sách tiền tệ gần như cạn dư địa để giảm lãi suất thì chính sách tài khóa được Chính phủ thực hiện với việc đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% VAT, qua đó giúp người dân có thêm tiền để mua sắm, doanh nghiệp hạ giá thành, bán được thêm hàng hóa. Ví dụ, một gói bánh có giá bán 55.000 đồng (gồm 50.000 đồng tiền bánh, 5.000 đồng thuế VAT). Số tiền VAT người tiêu dùng phải trả, người bán hàng thu hộ cho Nhà nước. Với việc giảm 2% thuế này, người dân chỉ còn phải trả 4.000 VAT, dư 1.000 để mua hàng hóa khác. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 2% VAT thêm 6 tháng làm giảm khoảng 25.000 tỷ đồng ngân sách nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, hành động của Chính phủ là chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Đây là chính sách "khoan thư sức dân", giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu, doanh nghiệp có thêm đơn hàng, công nhân có thêm việc làm, qua đó nâng cao đời sống toàn xã hội.