Cả 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện tại Hải Dương chỉ thực hiện nhiệm vụ về giáo dục thường xuyên và liên kết dạy nghề, không phát huy được chức năng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp do khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực…
Không đủ điều kiện hoạt động
Từ tháng 1/2018, theo quyết định của UBND tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề sáp nhập lại chỉ còn một trung tâm, có tên gọi thống nhất là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Sau sáp nhập, toàn tỉnh có 12 trung tâm ở 12 huyện, thị xã, thành phố.
Hiện nay, các trung tâm có tới 3 đơn vị quản lý trực tiếp: Sở Giáo dục và Đào tạo (quản lý về công tác giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (quản lý mảng dạy nghề); UBND cấp huyện quản lý về công tác tổ chức, chế độ, chính sách, thi đua khen thưởng…
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vào tháng 7 vừa qua nêu rõ các trung tâm đã chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Đối với nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp có 4 trung tâm được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm: Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Hà và Ninh Giang.
Các trung tâm cấp huyện hiện chưa được trang bị đủ cơ sở vật chất, thiết bị, giáo viên... để đáp ứng điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, hiện 12 trung tâm đều không hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chỉ thực hiện nhiệm vụ về giáo dục thường xuyên và liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp.
Gia Lộc là địa phương duy nhất trong tỉnh không có trường THPT tư thục. Do đó, phần lớn các em học sinh khi không đỗ vào các trường THPT công lập đều có nguyện vọng vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện. Hiện trung tâm có hơn 1.500 học sinh ở 3 khối 10, 11 và 12, với tổng số 29 biên chế cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên. Trung tâm chỉ có 22 giáo viên phụ trách tổng số 32 lớp học. Với nguồn nhân lực này để thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đã là cả một sự cố gắng lớn.
Dù là 1 trong 4 trung tâm được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhưng hiện trung tâm tại Gia Lộc không có giáo viên cơ hữu, giáo viên cứng về dạy nghề để thực hiện chức năng giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất để dạy nghề ngắn hạn cũng gần như không có, không đáp ứng được nhu cầu. Đứng trước những khó khăn này, trung tâm phải liên kết dạy nghề với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cần cơ chế cụ thể
Theo Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/1/2023, trong phần nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm có nội dung: Thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp hoặc liên kết đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; liên kết đào tạo đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực giáo dục pháp luật, văn hóa, xã hội, thể thao, nghệ thuật, môi trường, sức khỏe, kinh tế, tài chính; các chương trình giáo dục kỹ năng; các chương trình chuyển giao công nghệ trong lao động, sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động…
Có thể thấy, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở Hải Dương chưa phát huy được hết chức năng đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp do gặp phải những khó khăn nêu trên.
Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gia Lộc cho rằng công tác dạy nghề ngắn hạn ở các trung tâm vẫn rất quan trọng, đặc biệt là ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Để các trung tâm phát huy được vai trò trong giáo dục nghề nghiệp ngắn hạn, cần phải có cơ chế quy hoạch tổng thể, nghiên cứu sâu kỹ từ Trung ương. Từ đó, các địa phương áp dụng phù hợp, linh hoạt để tạo điều kiện cho các trung tâm có thể đào tạo những ngành nghề ngắn hạn thiết thực với nhu cầu đời sống của người dân.
Trên cơ sở quan điểm này, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Thành cho rằng các đơn vị cùng chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý trung tâm hiện nay cần có hướng dẫn liên ngành để xây dựng quy chế hoạt động chung. Đối với công tác dạy nghề ngắn hạn của các trung tâm hiện nay ở Hải Dương đều có thực trạng chung là rất khó khăn, hầu hết là “tay không bắt giặc”, chỉ phối hợp để làm chứ không thể tự làm. Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hơn về cơ sở vật chất trong công tác dạy nghề đáp ứng phân luồng học sinh 9+. Đồng thời quan tâm hỗ trợ các trung tâm đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng đề án đối với hoạt động liên kết dạy nghề bảo đảm đúng quy định.
NGỌC THANH