Giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ sau này.
Sáng 25/3, Trường Đại học Hải Dương tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tổ chức giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật trong đào tạo giáo viên mầm non hiện nay”.
Tham gia hội thảo có một số chuyên gia đến từ một số trường đại học đào tạo chuyên sâu về giáo dục hoà nhập, giáo dục đặc biệt, gần 200 cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Khoa Chính trị - tâm lý - giáo dục của Trường Đại học Hải Dương, một số đại diện cơ sở giáo dục hoà nhập, trường mầm non ở TP Hải Dương.
Tại hội thảo, một số chuyên gia đã trực tiếp truyền đạt nhiều nội dung bổ ích xoay quanh các lĩnh vực giáo dục đặc biệt, giáo dục mầm non có liên quan đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên như: thực trạng năng lực tổ chức giáo dục hòa nhập của giáo viên mầm non; giải pháp nâng cao năng lực tổ chức giáo dục hòa nhập trong đào tạo giáo viên mầm non; giải phẫu sinh lý trẻ em; dược lý học với trẻ hoà nhập; rào cản của trẻ rối loạn phổ tự kỷ đi học lớp 1 hoà nhập; thảo luận về các chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập…
Thực tế, việc triển khai giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục mầm non còn gặp nhiều khó khăn, năng lực tổ chức giáo dục hòa nhập của giáo viên mầm non hạn chế. Vì vậy, hội thảo lần này không chỉ góp phần giúp các cơ sở giáo dục có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng tại đơn vị mà còn giúp giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Hải Dương nâng cao năng lực tổ chức giáo dục hòa nhập cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để mỗi giáo viên mầm non khi bước vào nghề không chỉ có lòng yêu trẻ mà còn đủ kiến thức, kỹ năng và sự nhạy cảm sư phạm đồng hành cùng trẻ khuyết tật.
THẾ ANH