Khi phụ nữ làm đại biểu dân cử

20/05/2021 06:38

Số đại biểu nữ tăng dần trong các nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND các cấp gần đây cho thấy phụ nữ ngày càng khẳng định được mình, góp phần tích cực mang tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với các diễn đàn lớn.


Bà Vũ Thị Thủy, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh trên nghị trường Quốc hội. Ảnh tư liệu

Cơ hội và thuận lợi

Đối với nhiều phụ nữ, được làm đại biểu dân cử là cơ hội để khẳng định mình, cũng là cơ hội giúp bản thân mở mang kiến thức, hiểu biết về các vấn đề xã hội và dân sinh. So với nam giới, phụ nữ có lợi thế là có thể gần gũi, lắng nghe nhiều ý kiến của cử tri nữ, hiểu rõ hơn những vấn đề của phụ nữ.

Bà Vũ Thị Thủy, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV cho biết vừa là nữ, lại là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh nên bà có cơ hội lắng nghe nhiều ý kiến về các vấn đề nữ giới quan tâm. Từ đó, khi tham gia các kỳ họp Quốc hội và hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, bà có thể đề xuất các ý kiến có giá trị góp ý vào các dự án luật, các nghị quyết và báo cáo về công tác của Chính phủ, góp phần hỗ trợ phụ nữ và trẻ em phát triển. Cũng từ nguồn thông tin của cử tri, qua các kỳ họp Quốc hội, bà tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai tổ chức các hoạt động thiết thực như tham gia giải quyết việc làm cho nông dân ở vùng có đất chuyển đổi sang khu công nghiệp, dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, khai thác các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn phát triển sản xuất…

Với chị Nguyễn Thị Lơ, Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Điền (Nam Sách), khi là đại biểu dân cử, phụ nữ sẽ tự tin khẳng định bản lĩnh, hoàn thành các nhiệm vụ được lãnh đạo giao phó, tạo sự tin tưởng cho nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, chị Lơ đã tham mưu Thường trực HĐND xã tổ chức tốt các kỳ họp HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri và những hoạt động khác của HĐND xã. Do địa phương không thành lập tổ đại biểu HĐND nên chị Lơ đã tham mưu cho lãnh đạo HĐND xã giới thiệu các đại biểu HĐND đại diện cho các thôn để nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời giải quyết các vấn đề ngay tại cơ sở. 

Khắc phục khó khăn

Là đại biểu dân cử, những nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải khắc phục nhiều khó khăn để làm tốt nhiệm vụ của mình. Họ vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải chu toàn việc nhà, đồng thời cũng dành thời gian để làm tròn nhiệm vụ đại biểu của mình.

Bà Thủy cho biết khi còn công tác, bà phải khắc phục khó khăn, sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, nghiên cứu các chính sách, pháp luật để đóng góp các ý kiến có chất lượng đối với việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật.

Chị Lơ cũng phải khắc phục nhiều khó khăn để làm tốt vai trò đại biểu dân cử bởi các ban của HĐND xã không có cán bộ chuyên trách mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Chị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu các quy định của pháp luật, trau dồi kỹ năng công tác để phối hợp nhuần nhuyễn với các cán bộ kiêm nhiệm HĐND xã, góp phần làm tốt nhiệm vụ, chức trách của HĐND xã. Nhiệm kỳ qua, chị Lơ đã được tặng giấy khen vì thành tích tiêu biểu trong công tác HĐND. Nhiệm kỳ 2021-2026, chị tiếp tục ứng cử đại biểu HĐND xã Phú Điền, nếu trúng cử chị sẽ là đại biểu tham gia HĐND xã liên tục trong 3 nhiệm kỳ.

VIỆT QUỲNH

Nhiệm kỳ 2016-2021, Hải Dương có 17 nữ đại biểu HĐND tỉnh, chiếm 26,5%; 107 nữ đại biểu HĐND cấp huyện, chiếm 24,7%; 1.662 nữ đại biểu HĐND cấp xã, chiếm 24,9%. Theo Hội Phụ nữ tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, qua 3 vòng hiệp thương, trong danh sách sơ bộ có 7 nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, chiếm 41,1%; 37 nữ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, chiếm 36,2%; 278 nữ ứng cử đại biểu HĐND huyện, chiếm 41,2%; 3.687 nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, chiếm 38,1%. 

(0) Bình luận
Khi phụ nữ làm đại biểu dân cử