Đặc quyền lớn của người Mỹ không phải là họ được soi sáng gì hơn ai, mà là họ có khả năng mắc sai lầm nhưng có thể sửa sai được.
Chiều 6.1, nhiều người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã gây bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ giữa lúc Phó Tổng thống Mike Pence đang hoàn tất thủ tục xác nhận kết quả bầu cử.
Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol đến nay đã khiến ít nhất 5 người chết, trong đó có 1 viên cảnh sát. Nước Mỹ và toàn thế giới sốc.
Lịch sử là lịch sử
Lịch sử sẽ ghi lại buổi chiều 6.1 cũng như mọi lời cáo buộc "bầu cử gian lận" của ông Trump kể từ tối 3.11.2020, sau khi các kết quả bầu cử được truyền thông công bố như thông lệ ở các cuộc bầu cử trước đó.
Lịch sử cũng sẽ ghi lại Phó Tổng thống Mike Pence, trước khi xảy ra cuộc nổi loạn ở Đồi Capitol, đã đưa ra một văn bản loan báo rằng ông trung thành với lời thề ủng hộ lẫn bảo vệ hiến pháp và sẽ làm nhiệm vụ của ông là... đếm số phiếu cử tri đoàn.
Ông Pence nhắc tất cả rằng "các vị lập quốc của Hoa Kỳ đã không hề có ý định trao cho Phó Tổng thống quyền đơn phương quyết định đếm phiếu nào, không đếm phiếu nào". Ông cũng kêu gọi các nghị sĩ gạt sang một bên mọi thôi thúc đảng phái...
Và đêm đó, sau khi trật tự được vãn hồi, họ đã thông qua kết quả kiểm phiếu này và ông Pence loan báo ai thắng ai thua, đúng với các thiết chế hiến định.
Cựu Tổng thống George W. Bush, cùng đảng với ông Trump, đã lên án việc ông Trump kêu gọi lật ngược kết quả bầu cử tri đoàn là vi hiến.
Bush nhắc nhở: "Với những ai thất vọng về kết quả bầu cử, đất nước chúng ta quan trọng hơn chuyện chính trị" và buông ra nhận xét chua chát: "Đây là kiểu tranh chấp kết quả bầu cử ở một nước cộng hòa "củ chuối" (banana republic), chớ không phải ở nền cộng hòa của chúng ta".
Thật vậy, bầu không khí buổi chiều 6.1 đó giông giống cuộc bao vây trụ sở Quốc hội Nga tháng 8.1993 nhằm lật đổ Tổng thống Nga Boris Yeltsin, hay cuộc "cách mạng Euromaidan" lật đổ Chính phủ Ukraine ở Thủ đô Kiev năm 2014.
Cựu Tổng thống Bush phẫn nộ cho rằng "cuộc nổi loạn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia và danh tiếng của chúng ta" và trong thực tế nó đã xảy ra. Song nó cũng là cái cớ khiến những đối thủ và kẻ thù của nước Mỹ được dịp chọc ghẹo.
Tổng thống Iran Hassan Rohani lên lớp: "Một tay dân túy lên cầm quyền và gây ra thảm họa trong nước mình trong bốn năm qua. Tôi hy vọng rằng các lãnh đạo tương lai ở Nhà Trắng sẽ ghi nhớ bài học".
Hoàn Cầu Thời Báo đưa ra một bài học khác: "Không thể đơn giản coi là một trò hề do Trump kích động bằng ảnh hưởng cá nhân của mình... Cũng không thể dễ dàng kết luận rằng chiến thắng của Biden là một sự sửa lỗi thành công hay sự hỗn loạn gây ra bởi cuộc bầu cử sẽ kết thúc sau hai tuần nữa (thời điểm ông Biden nhậm chức)".
Tờ báo của Trung Quốc chạm gần đúng vết thương hở của chính trường Mỹ: "Đây là kết quả sự phân hóa nghiêm trọng của xã hội Mỹ và việc nước này không kiểm soát được sự phân hóa đó".
Thậm chí đã điểm trúng huyệt: "Trump từ chối thừa nhận thất bại sau khi thua bầu cử, điều này đã gây được tiếng vang với một số lượng lớn những người ủng hộ mình. Điều này đã khiến... Đảng Cộng hòa lưỡng lự giữa việc ủng hộ Hiến pháp hay bảo vệ Tổng thống của mình".
Hãng tin Nga Sputnik mô tả sự lưỡng lự này một cách dọa dẫm: "Việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 chống lại Trump có thể phản tác dụng đối với Đảng Cộng hòa như thế nào?", ám chỉ sẽ mất ghế ở cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới nếu đồng lòng truất phế ông Trump...
Câu trả lời là của chính người Mỹ
Một ngày trước cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội, các cử tri bang Georgia đã cho thấy thế nào là "do dân, bởi dân" khi họ chọn bầu hai ứng cử viên Đảng Dân chủ, chớ không chọn hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.
Xã hội nào cũng có những sai trái, cũng có những người muốn đi chệch đường hay thụt lùi.
Song việc Phó Tổng thống Mike Pence cuối cùng tuân theo Hiến pháp chớ không tuân lệnh ông Trump, hay việc quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller (ông Trump vừa bổ nhiệm) cuối cùng cũng đã vào hàng cùng với các bộ trưởng tiền nhiệm, việc cử tri quay lưng với các ứng viên Đảng Cộng hòa ở bang Georgia - thành trì của Cộng hòa trong 2 thập niên qua... là những khả năng sửa sai mà Alexis de Tocqueville đầu thế kỷ 19 đã nhận xét: "Đặc quyền lớn của người Mỹ không phải là họ được soi sáng gì hơn ai, mà là họ có khả năng mắc sai lầm nhưng có thể sửa sai được".
Nước Mỹ sửa sai được là do có những thiết chế cho phép sửa sai, điều mà không phải ở đâu cũng có. Tất nhiên vấn đề này rất lớn: làm sao vá lại những khuôn phép mà ông Trump đã phá bỏ trong đầu những người theo ông?
Mặt khác, các đối thủ của ông cũng phải tự sửa sai sau khi đã chơi trò "săn phù thủy" suốt 4 năm qua.
Theo Tuổi trẻ