Khi điểm chuẩn không còn chuẩn

24/08/2019 07:06

​Khi điểm chuẩn không còn chuẩn thì người bị thiệt hại đầu tiên là các thí sinh và về lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo bậc đại học.

Các trường đại học, cao đẳng vừa hoàn thành đợt xét tuyển đầu tiên cho năm học 2019-2020 và đa số chưa tuyển đủ chỉ tiêu, có những ngành còn không có thí sinh nào đăng ký. Hàng loạt các trường đang tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 2 với số điểm nhận hồ sơ thấp hơn điểm chuẩn đợt 1. Như vậy, điểm chuẩn do nhiều trường xác định ban đầu thực ra không hề chuẩn vì không giúp các trường tuyển được đủ lượng sinh viên và buộc phải hạ thấp số điểm nhận hồ sơ nhằm tuyển thêm trong đợt 2.

Việc xác định điểm chuẩn hiện có những thay đổi so với trước kia và làm nảy sinh nhiều nghịch lý. Có những trường đại học nâng điểm chuẩn lên cao để không thí sinh nào trúng tuyển do có quá ít em đăng ký, số lượng thí sinh trúng tuyển sẽ không đủ để mở lớp. Điểm chuẩn từ chỗ mang ý nghĩa là cái mốc xác định lực học của thí sinh đủ để theo học đại học đã biến thành công cụ để các trường đánh trượt thí sinh. Có thí sinh tổng điểm thi cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn trượt do không đạt tiêu chí phụ của điểm chuẩn ngành sư phạm. Điều đáng nói là các thí sinh không hề biết về tiêu chí này trước khi đăng ký xét tuyển.

Rất nhiều trường tuyển sinh song song bằng hai loại điểm: điểm tổng kết các năm học THPT thể hiện trong học bạ và điểm thi THPT quốc gia. Hầu hết điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển học bạ cao hơn điểm chuẩn lấy theo điểm thi THPT quốc gia. Nhiều trường đại học tốp dưới chủ yếu tuyển sinh theo điểm học bạ vì rất ít thí sinh điểm thi THPT ở mức khá đăng ký xét tuyển vào trường. Độ chênh lệch này cho thấy sự mặc nhiên thừa nhận điểm số trong trường THPT hiện không phản ánh sát năng lực học sinh, sự đánh giá của thầy cô có phần nương nhẹ để học sinh có điểm số đẹp. Nếu đánh giá học sinh là sát thực và thống nhất thì chỉ có một điểm chuẩn chung cho các phương thức xét tuyển.

Tình trạng loạn điểm chuẩn như trong kỳ tuyển sinh năm nay có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. Nó có thể khiến thí sinh cảm thấy hoang mang khi không biết căn cứ vào đâu để xác định trường phù hợp với điểm số của mình. Nó làm thay đổi một logic truyền thống là thí sinh đạt điểm cao đỗ, điểm thấp trượt mà việc đỗ, trượt còn phụ thuộc vào sự may rủi. Việc đỗ hay không không chỉ căn cứ vào số điểm đạt được mà còn phụ thuộc vào lượng thí sinh cùng đăng ký xét tuyển. Con số này dù quá nhiều hay quá ít đều đe dọa khả năng đỗ của thí sinh. Và khi phát sinh những nghịch lý từ điểm chuẩn, các trường lại phải chạy theo để giải quyết từng trường hợp cụ thể như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận thí sinh bị Trường Đại học Đồng Nai đánh trượt bằng cách nâng điểm chuẩn. Điều này cho thấy những bất cập có thể phát sinh không được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học lường trước để có phương án xử lý ngay từ đầu.

Khi điểm chuẩn không còn chuẩn thì người bị thiệt hại đầu tiên là các thí sinh và về lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo bậc đại học. Những trường lấy điểm chuẩn thấp sẽ khó đào tạo được người lao động có chất lượng cao. Nhiều ngành nghề sẽ rất khó tuyển sinh sau khi nhà trường cố tình đánh trượt thí sinh, dẫn đến việc có thể thiếu hụt nguồn nhân lực các ngành đó trong tương lai. Để hạn chế những bất cập này, ngành giáo dục và đào tạo cần có những cải cách hiệu quả hơn trong quy chế tuyển sinh đại học, đồng thời phải tạo được sự đồng bộ, thống nhất khi đánh giá học sinh trong nhà trường và qua các cuộc thi chung.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi điểm chuẩn không còn chuẩn