“Khai tử” sổ hộ khẩu

19/05/2020 08:05

Việc “khai tử” quyển sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang hình thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân trên nền tảng công nghệ hiện đại đang từng bước trở thành hiện thực.

Ngày 12.5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra chính thức dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Nội dung thay đổi đáng chú ý nhất là việc bãi bỏ các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu và sổ tạm trú đã tồn tại nhiều năm nay. Việc “khai tử” quyển sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang hình thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân trên nền tảng công nghệ hiện đại đang từng bước trở thành hiện thực.

Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng số định danh cá nhân giúp xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân. Khi đi giao dịch, người dân không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, bằng lái xe… Mà khi một trong số các giấy tờ đó bị thất lạc, để được cấp lại, người dân lại tốn khá nhiều thời gian, công sức. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, việc quản lý bằng số định danh cá nhân còn giúp tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc sao, chụp hoặc chứng thực bản sao. Bãi bỏ quyển sổ hộ khẩu giấy còn tránh được tình trạng những người giữ sổ gây khó dễ cho người có tên trong sổ. Đã có nhiều trường hợp các thành viên trong gia đình không thể tách khẩu, đăng ký kết hôn, thực hiện một số giao dịch dân sự… vì mâu thuẫn với người giữ sổ hộ khẩu nên không thể mượn sổ đi giao dịch.

Những lợi ích của việc bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư theo số định danh cá nhân rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nhưng để sự thay đổi này đi vào cuộc sống, không phát sinh những bất cập, gây xáo trộn cho đời sống người dân thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Chỉ có thể bỏ sổ hộ khẩu khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tất cả người dân được cấp số định danh cá nhân. Trong 4 năm qua, cả nước mới có hơn 18 triệu công dân được cấp căn cước công dân. Nếu Luật Cư trú (sửa đổi) được thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7.2021 thì khoảng thời gian để cấp số định danh cá nhân cho phần đông dân số còn lại là khá ngắn. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành. Nhiều người lo ngại khó có thể đưa vào vận hành hệ thống dữ liệu này trước thời điểm luật có hiệu lực vì đây là hệ thống dữ liệu lớn, cần bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú; kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan. Trong thực tế, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã bị chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân nên những lo lắng này không phải không có cơ sở. Những khó khăn của quá trình thu thập thông tin dân cư, tổ chức xử lý dữ liệu, tiến độ cấp vốn chậm… cần được giải quyết triệt để nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân trong cả nước đều rất mong chờ việc chuyển đổi quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân. Để thực hiện được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần việc khai báo thông tin dân cư chính xác, kịp thời từ phía người dân.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Khai tử” sổ hộ khẩu