8 giờ sáng 6.12, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông, Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII đã khai mạc.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh cùng dự kỳ họp.
Các đồng chí đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tỉnh: Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dự kỳ họp.
Các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII
Đánh giá khách quan, toàn diện kết quả kinh tế - xã hội
8 giờ 18: Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định với tinh thần "chủ động, linh hoạt, vượt khó, tăng tốc", dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, năm 2021 Hải Dương đã kiên trì thực hiện tốt mục tiêu kép và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tỉnh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp; hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế có nhiều khởi sắc, bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2021. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) từ tăng trưởng âm trong quý I, chỉ đạt 3,9% trong quý II đã vươn lên mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm, ước đạt 8,6% cả năm (kế hoạch tăng 8,0% trở lên), cao hơn bình quân chung cả nước. Kết quả có 11/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, thu ngân sách nhà nước đạt cao, vượt 48,4% dự toán năm.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Đó là giá cả một số nguyên vật liệu thiết yếu, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán các sản phẩm thủy sản giảm. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm, làm chậm tiến độ thực hiện đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn do chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tăng trưởng dịch vụ đạt thấp so với nhiều năm trở lại đây. Hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh kỳ họp sẽ dành 1 ngày để thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề "nóng" mà cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, phiên thảo luận chất vấn sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân toàn tỉnh theo dõi. Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.
Khẳng định những nội dung được xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, hạn chế. Tập trung nghiên cứu, phân tích, thảo luận, tích cực tham gia ý kiến vào các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp, nhất là các báo cáo, tờ trình liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; xác định mục tiêu, nhiệm vụ và hệ thống các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và của cả nhiệm kỳ. (Toàn văn bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng)
Tăng trưởng GRDP ước đạt 8,6%
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
8 giờ 28: Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. (Thực hiện đạt và vượt 11 trong 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu)
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp với nhiều đợt bùng phát, tác động tiêu cực đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với quyết tâm cao, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng thuận cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh ta đã hạn chế được mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa kiểm soát được dịch Covid-19, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 11 trong 14 chỉ tiêu chủ yếu. Đó là tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản; xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu ngân sách nội địa tăng so với dự toán; giải quyết việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo còn lại; số giường bệnh và số bác sỹ/10.000 dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa.
Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,6% (kế hoạch năm 8%); thu ngân sách nhà nước đạt khá cao, vượt 48,4% dự toán năm.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng còn những hạn chế. Còn 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GRDP ước đạt 32,9% (kế hoạch 35%); số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10% (ước thực hiện -7,4%); tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,9% (kế hoạch 35%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm do thị trường tiêu thụ giảm, nhiều đơn hàng phải tạm dừng hoặc hủy bỏ. Một số nhiệm vụ chuyên môn của các ngành, lĩnh vực và địa phương chậm được triển khai theo kế hoạch đề ra.
Năm 2022, UBND tỉnh dự kiến phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 10%.
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII
Nhân dân đánh giá cao công tác phòng chống dịch
8 giờ 56: Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đọc báo cáo về tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh.
Theo báo cáo, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19 song dưới sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đã tin tưởng, đồng lòng cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19. Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhân dân đồng thuận với sự chuyển hướng chỉ đạo của Chính phủ sang phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Dư luận nhân dân phấn khởi khi nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đang từng bước hoạt động trở lại, nền kinh tế có những khởi sắc nhất định.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đọc báo cáo về tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh
Tuy nhiên, một bộ phận nhân dân lo lắng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên đời sống bị ảnh hưởng, hàng hóa lưu thông chậm trong khi nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư, vật liệu tăng cao.
Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh
9 giờ 12: Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình về việc ban hành Nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và giai đoạn 2023-2025. (Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi trên nguyên tắc nào?)
Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình về việc ban hành Nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và giai đoạn 2023-2025
UBND tỉnh đề nghị áp dụng các nguyên tắc trong phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh là ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể, phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương; phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ dự toán ngân sách giai đoạn 2022-2025 trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của thời kỳ 2017-2021. Tiếp tục tăng cường phân cấp nguồn thu gắn liền nhiệm vụ chi và trách nhiệm quản lý của từng cấp chính quyền địa phương. Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh trong hệ thống ngân sách chính quyền địa phương…
Ưu tiên phân bổ kinh phí cho an sinh xã hội
9 giờ 29: Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình về việc quy định hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và giai đoạn 2023-2025. (Giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo)
Theo tờ trình, các nguyên tắc trong xây dựng định mức năm 2022 và giai đoạn 2023-2025 là bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch trong phương án phân bổ ngân sách; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài; ưu tiên mức phân bổ kinh phí cho các chế độ an sinh xã hội, các chế độ chính sách chi cho con người…
Ở các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp khối tỉnh: Đối với khối quản lý hành chính, hội, đoàn thể, định mức phân bổ dựa trên tiêu chí từng bậc biên chế được giao bảo đảm toàn bộ chế độ chính sách tiền lương và chi công việc có tính chất chung (điện nước, văn phòng phẩm, công tác phí, hợp đồng lao động....) và các nhiệm vụ đặc thù của từng đơn vị bảo đảm tính chủ động trong điều hành dự toán.
Với ngân sách các huyện, thành phố, thị xã, đối với khối quản lý hành chính, hội, đoàn thể: Định mức bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách cho con người theo biên chế được giao và định mức chi công việc theo dân số bảo đảm sự chủ động, tăng quyền hạn, trách nhiêm các huyện, thành phố, thị xã trong quản lý ngân sách nhà nước. Đối với khối sự nghiệp: Định mức dựa trên biên chế được giao, tiêu chí dân số, diện tích đất nông nghiệp, đất công nghiệp, km đường giao thông, số km chiều dài đê, đơn vị đô thị hành chính cấp huyện và các chế độ chính sách an sinh xã hội bảo đảm đáp ứng được nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mỗi huyện, thành phố, thị xã không có quá 2 dự án trọng điểm cấp huyện
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025
9 giờ 43: Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025. (Kiên quyết không bố trí vốn đầu tư manh mún, nhỏ lẻ)
UBND tỉnh dự kiến nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025 như sau: Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Phục vụ cho việc thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược. Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; kiên quyết không bố trí vốn đầu tư manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan. Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, không dàn trải, nhỏ lẻ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện, dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm.
UBND tỉnh cũng đề ra các tiêu chí lựa chọn dự án trọng điểm cấp huyện và đề nghị lựa chọn mỗi huyện, thành phố và thị xã không quá 2 dự án; riêng TP Hải Dương không quá 3 dự án.
9 giờ 58: Nghỉ giải lao
Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
10 giờ 22: Đồng chí Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đọc báo cáo tình hình, kết quả công tác bảo vệ an ninh trật tự năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đọc báo cáo tình hình, kết quả công tác bảo vệ an ninh trật tự năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Năm 2021, Công an tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Kết quả đã làm giảm 22,7% số vụ phạm tội và vi phạm trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2020. Cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, khởi tố 27 vụ, xử lý hành chính 133 vụ việc liên quan đến "tín dụng đen"; triệt phá, làm tan rã 15 ổ nhóm, 62 đối tượng hình sự; phát hiện, bắt giữ 245 vụ, 1.091 đối tượng cờ bạc, 25 vụ, 74 đối tượng mại dâm.
Tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, giảm sâu cả 3 tiêu chí cả về số vụ, số người chết, người bị thương, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Thụ lý, giải quyết, xét xử 5.722 vụ việc
10 giờ 37: Đồng chí Mạc Minh Quang, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh đọc báo cáo kết quả công tác Tòa án Nhân dân tỉnh năm 2021. (Số án thụ lý, giải quyết năm 2021 giảm)
Đồng chí Mạc Minh Quang, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh đọc báo cáo kết quả công tác Tòa án Nhân dân tỉnh năm 2021
Theo báo cáo, năm 2021, Tòa án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh đã thụ lý, giải quyết, xét xử 5.722 trong tổng số 6.184 vụ việc các loại, đạt 92,5%. So với năm 2020, số án thụ lý giảm 835 vụ việc, số án giải quyết giảm 935 vụ việc, tỷ lệ giải quyết giảm 2,3%. Số vụ việc còn lại đều trong thời hạn giải quyết theo quy định.
Chất lượng giải quyết các loại án được giữ vững. Công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các loại vụ án được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, tiến độ giải quyết một số vụ án dân sự, kinh doanh thương mại ở một số đơn vị còn chậm, chưa giải quyết dứt điểm một số vụ có tính chất phức tạp. Nguyên nhân chính là số lượng các loại vụ việc phát sinh nhiều; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có tính chất phức tạp, đương sự cố tình gây khó khăn trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, xem xét thẩm định, định giá tài sản; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...
Xác định 219 vụ án trọng điểm
10 giờ 51: Đồng chí Phạm Văn Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đọc báo cáo kết quả công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh năm 2021. (Không để xảy ra trường hợp oan, sai nghiêm trọng)
Đồng chí Phạm Văn Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đọc báo cáo kết quả công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh năm 2021
Trong năm 2021, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp trong tỉnh thực hiện công tác kiểm sát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra trường hợp oan hoặc sai nghiêm trọng, bỏ lọt tội phạm. Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 1.628 vụ với 2.517 bị can; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xác định 219 vụ án trọng điểm. Ngành thực hiện quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 1.127 vụ, 1.926 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 1.468 vụ với 2.650 bị can. Các chỉ tiêu công tác của ngành đều hoàn thành, một số chỉ tiêu thực hiện cao hơn chỉ tiêu được giao.
Chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa hiệu quả
11 giờ 2: Đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đọc báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022.
Đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đọc báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022
Theo báo cáo thẩm tra, trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2021 còn một số vấn đề hạn chế cần quan tâm. Đó là còn 3 chỉ tiêu phát triển kinh tế không hoàn thành kế hoạch. Giá cả một số hàng hóa tăng đột biến gây ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh khó lường. Có 2 trong tổng số 16 khoản thu không hoàn thành dự toán. Nhiều khoản thu đạt khá so với dự toán nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu tổng chi vẫn ở mức cao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đến hết tháng 11.2021 đạt khá (66,98%) nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.
Hầu hết doanh nghiệp đều gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao. Các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa thực chất và chưa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc xử lý nước thải tập trung chưa được quan tâm. Có 31/32 cụm công nghiệp chưa đầu tư hạ tầng đồng bộ, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định. Nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém đã có từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để như: công tác quản lý dự án sau cấp phép chưa được quan tâm; việc nghiệm thu, thanh quyết toán và bàn giao các dự án khu dân cư, khu đô thị còn chậm trễ; một bộ phận người dân dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Nhân lực ngành y tế còn nhiều bất cập
11 giờ 12: Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đọc báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đọc báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2022
Theo báo cáo thẩm tra, cùng với nhiều kết quả đạt được, lĩnh vực văn hóa-xã hội trong tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, nhất là chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Đó là việc tiếp cận công nghệ thông tin của giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa đồng bộ. Cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn do ngừng hoạt động. Việc nghỉ học trực tiếp do dịch Covid-19, thực hiện giãn cách trong thời gian dài ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của trẻ nhỏ. Nhân lực ngành y tế còn nhiều bất cập, trong khi nhiệm vụ rất nặng nề. Cơ sở vật chất của nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện xuống cấp trầm trọng. Tình trạng thiếu phòng học ở các cấp học phổ thông và mầm non ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tình trạng bác sĩ ở các bệnh viện công lập chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập dẫn đến thiếu bác sĩ vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo linh hoạt các nhiệm vụ lĩnh vực văn hóa - xã hội thích ứng trong tình hình mới vừa chống dịch, vừa phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Rà soát, đánh giá cơ sở vật chất của các cơ sở y tế công lập, cơ sở vật chất của các trường học, từ đó có thứ tự ưu tiên đầu tư cho các công trình xuống cấp trầm trọng hoặc các phòng học còn thiếu. Rà soát các trang thiết bị y tế, giáo dục để có phương án trang bị đủ, từng bước nâng cao, hiện đại hóa, nhất là các trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu trong phòng, chống dịch Covid-19...
Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị tỉnh sớm có giải pháp giải quyết bất cập về chuẩn giáo viên, thiếu giáo viên các cấp học, “giữ chân” bác sĩ, thu hút bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Quan tâm chỉ đạo thực hiện bảo đảm chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp
11 giờ 21: Đồng chí Bùi Học Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đọc báo cáo thẩm tra tình hình chấp hành pháp luật năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bùi Học Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đọc báo cáo thẩm tra tình hình chấp hành pháp luật năm 2021 trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo thẩm tra, năm 2021, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Công tác phối hợp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật được coi trọng. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân tại một số địa phương còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có việc chưa chặt chẽ, còn lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa cao. Việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính và quản lý, sử dụng ngân sách chưa nghiêm.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục coi trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng chống dịch Covid 19 năm 2022 linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu "kép" vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo nổi cộm, bức xúc, đông người và những vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, không để phát sinh điểm nóng; hạn chế tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp xảy ra. Thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; coi trọng việc triển khai thực hiện công tác phòng ngừa gắn với hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh hướng dẫn thảo luận tổ
11 giờ 27: Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh hướng dẫn thảo luận tổ.
11 giờ 28: Kết thúc phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII. Chiều nay 6.12, các đại biểu chia thành 4 tổ thảo luận.
NHÓM PV