Hai khách Việt đến Nam Cực cuối năm ngoái đã có trải nghiệm "đáng thử một lần trong đời" - mặc áo dài, áo bà ba check in với băng tuyết và chim cánh cụt.
Tháng 12/2023, đoàn khách Việt 12 người khởi hành đến thăm Nam Cực và khám phá hệ sinh thái nơi tận cùng Trái Đất trong 18 ngày. Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc công ty du lịch quốc tế DH Travel, điều hành tour Nam Cực, cho hay 12 thành viên trong đoàn đều có kinh nghiệm du lịch nhiều nơi trên thế giới nhưng lần đầu đặt chân đến Nam Cực.
Hành trình hơn nửa tháng ở vùng cực nam Trái Đất của đoàn khách Việt ghi dấu nhờ hình ảnh hai thành viên trong đoàn bất chấp giá lạnh mặc áo dài, áo bà ba chụp hình giữa trời âm độ, tuyết trắng xóa. Anh Hiếu là người duy nhất trong đoàn mang theo áo bà ba, khăn rằn - trang phục truyền thống của người miền Tây Nam Bộ.
"Không hẹn mà gặp", một thành viên U60 trong đoàn, bà Xuân Hồng, cũng đem theo áo dài - món đồ đặc biệt luôn có trong mọi chuyến du lịch nước ngoài của du khách Hà Nội. Hai thành viên trong đoàn tình cờ cùng ý tưởng đem theo hình ảnh quê hương để bạn bè quốc tế biết đến người Việt có thể chinh phục mọi nơi trên thế giới.
Lên ý tưởng và chuẩn bị từ trước nhưng hơn nửa tháng hành trình, anh Hiếu và bà Hồng chỉ có đúng một dịp mặc áo dài check in Nam Cực vào ngày thứ 6 của chuyến đi, trong lần đổ bộ quan sát chim cánh cụt. Trước khi đổ bộ, mỗi hành khách được trang bị áo phao, ủng chuyên dụng đi trên băng. Bên trong lớp áo phao, anh Hiếu mặc một lớp áo giữ nhiệt và bộ bà ba bên ngoài.
Nhiệt độ ngoài trời khi đó khoảng âm 4 độ C, vị khách U60 chỉ kịp mặc áo dài chụp nhanh vài tấm hình kỷ niệm trong 5-10 phút. Còn anh Hiếu còn "đánh liều" trải nghiệm mặc áo bà ba ngâm mình trong nước biển vùng cực (Polar Plunge) lạnh âm 2 độ C. Đây là hoạt động nhiều khách nước ngoài tham gia khi đến Nam Cực. Anh lội xuống dòng nước chưa đầy một phút nhưng có thể cảm nhận được cái lạnh "thấu da thịt".
"Khi lên bờ, hai chân tôi tê cứng mất cảm giác, vậy mà nhiều du khách nước ngoài trong chuyến đi ngâm mình rất lâu", anh Hiếu nói và cho rằng mặc trang phục truyền thống Việt check in ở Nam Cực là trải nghiệm "đáng thử ít nhất một lần trong đời".
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho chuyến du lịch Nam Cực, anh Hiếu nói di chuyển đến vùng đất này khó khăn nhưng thủ tục đơn giản. Du khách chỉ cần chuẩn bị hồ sơ xin visa Argentina, vì tàu đến Nam Cực sẽ khởi hành từ Ushuaia - thành phố tận cùng thế giới thuộc Argentina. Quy trình nhanh chóng hơn so với khi xin visa các nước phát triển khác. Anh Hiếu cho hay hầu hết du khách trong đoàn 12 người đều ở độ tuổi 50-70 tuổi, có kinh nghiệm du lịch nhiều nơi trên thế giới và điều kiện tài chính vững bởi "chi phí tour này đắt đỏ, khoảng hơn 500 triệu đồng".
Nam Cực quanh năm lạnh giá, khách du lịch chỉ có thể đến đây tham quan vào mùa hè từ tháng 11 đến tháng 1. Đoàn khách Việt 12 người mất hơn 40 giờ bay từ TP Hồ Chí Minh, nối chuyến qua Dubai đến Buenos Aires, Thủ đô Argentina. Từ Ushuaia, đoàn lên tàu phá băng, bắt đầu hải trình khám phá Nam Cực. Để vào sâu vùng cực, các hành khách sẽ lên tàu di chuyển hai ngày qua eo biển nguy hiểm nhất thế giới Drake Passage.
Con tàu đoàn khách Việt đi là tàu phá băng Hondius, dài 107,6 m gồm 80 cabins, có thể vận tải tối đa 170 hành khách và 72 thuỷ thủ đoàn - bao gồm đội thám hiểm gồm 14 thành viên là các chuyên gia đa ngành nghiên cứu về Nam Cực.
Thời gian trên tàu qua eo biển Drake là trải nghiệm khó khăn với nhiều du khách vì bị say sóng liên tục. Những ngọn sóng ở vùng biển nguy hiểm nhất thế giới cao gần 10 m, khiến tàu rung lắc không ngừng. Nhiều người trong đoàn chỉ nằm im một chỗ trong hai ngày, nhờ các thành viên khác trong đoàn chăm sóc. Cũng trong hai ngày qua Drake Passage, các nhà thám hiểm Nam Cực trên tàu tổ chức các buổi chia sẻ cho hành khách về lịch sử, địa lý, cuộc sống và hệ sinh thái mong manh của vùng cực; các loài động vật đặc trưng, cách nhận biết và bảo vệ chúng, các vấn đề an toàn, quy tắc bảo vệ môi trường khi đặt chân tới vùng cực.
Sau 48 giờ vượt eo biển Drake, hành khách trên tàu phá băng tiến vào vùng cực bằng tàu phao (zodiac). 170 hành khách trên tàu được chia thành các nhóm nhỏ 7-10 người để lên các thuyền phao chuyên dụng và thực hiện 10 chuyến đổ bộ Nam Cực trong 5 ngày. Tàu phao đưa du khách tận mắt ngắm những loài động vật đặc hữu Nam Cực như chim cánh cụt, cá voi, hải cẩu, những loài chim biển lạ như chim Albatross được mệnh danh là thủ lĩnh bầu trời, có khả năng bay lượn không cần vỗ cánh.
Mỗi lần đổ bộ, du khách phải thực hiện khử khuẩn nghiêm ngặt, đeo ủng cao su chuyên dụng, mặc áo phao do tàu phá băng cung cấp. Trước khi đặt chân xuống tàu phao, du khách cũng trải qua quy trình tiệt trùng theo yêu cầu để bảo đảm không làm tổn hại đến hệ sinh thái nhạy cảm ở Nam Cực. Khi lên lại tàu phá băng, quy trình tiệt trùng được thực hiện tương tự, đảm bảo không hành khách nào mang theo các vi khuẩn lạ lên tàu, tránh lây nhiễm chéo.
Khi đổ bộ, du khách được yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 5 m đối với chim cánh cụt, tuân theo hướng dẫn của đội thám hiểm, không được phép đi vào đường "highway" - đường trượt kiếm ăn của chim cánh cụt từ tổ xuống biển. Nếu phát hiện dấu chân lạ, chim cánh cụt có thể phải tìm con đường khác, do đó sẽ gặp nguy hiểm.
Đến Nam Cực, mọi du khách đều rời xa thế giới ảo bởi chi phí Internet đắt đỏ, không có nhà mạng nào hoạt động được trong khu vực này, mọi thông tin liên lạc đều qua thiết bị truyền vệ tinh. Du khách có nhu cầu sử dụng Internet có thể mua gói 20Mb - 500Mb giá từ 7,5 euro đến 150 euro (tương đương 206.000 - 4 triệu đồng).
Sau 5 ngày thám hiểm vùng cực, tàu phá băng quay lại hải trình vượt qua những con sóng của vùng biển Drake Passage để quay trở về Ushuaia. Chuyến đi khép lại với nhiều trải nghiệm lần đầu mà anh Hiếu và các thành viên đoàn cho rằng "giá trị hơn cả số tiền bỏ ra".
VN (theo VnExpress)