Tư liệu

"Thác máu" bí ẩn ở Nam Cực khiến giới khoa học trăn trở cả trăm năm

TN (theo Tuổi trẻ) 25/03/2024 09:45

Hơn 100 năm trước, nhà địa chất học người Anh Griffith Taylor đã phát hiện ra một thung lũng băng bí ẩn ở Nam Cực với dòng thác chảy ra có màu đỏ y như máu.

Hiện tượng Thác máu đã khơi dậy trí tò mò của các nhà thám hiểm trên khắp thế giới - Ảnh: THE MORNING NEWS
Hiện tượng Thác máu đã khơi dậy trí tò mò của các nhà thám hiểm trên khắp thế giới - Ảnh: THE MORNING NEWS

Trong hơn một thế kỷ, hiện tượng mà ông Taylor gọi là “Thác máu” này đã khơi dậy trí tò mò của các nhà khoa học và những người yêu thích các địa danh kỳ bí trên toàn thế giới.

Năm 2017, một nhóm nghiên cứu sử dụng radar xuyên lòng đất phát hiện ra mạng lưới các vết nứt có kích thước khác nhau trên nền băng, tạo thành một hồ chứa nước mặn bị chôn vùi. Chính điều này đã cung cấp nước cho dòng thác ở mõm sông băng.

Nồng độ muối cao kết hợp với áp suất ở đáy sông băng giữ cho nước chảy, bất chấp nhiệt độ xuống âm độ C. Nhưng nguyên nhân gây ra sự thay đổi màu sắc đột ngột vẫn còn là một bí ẩn.

Các nghiên cứu khác được thực hiện vào những năm 1960 tuyên bố chỉ tìm thấy dấu vết rất nhỏ các khoáng chất trong mẫu nước từ sông băng bên dưới thác máu. Điều này không đủ để giải thích hiện tượng tại sao nước lại có màu đỏ.

Trong hơn 100 năm, các nhà khoa học đã đặt ra rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân hình thành thác máu - Ảnh: WIKIPEDIA
Trong hơn 100 năm, các nhà khoa học đã đặt ra rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân hình thành thác máu - Ảnh: WIKIPEDIA

Một giả thuyết khác cho rằng màu đỏ của "thác máu" có liên quan đến sự gia tăng hàng loạt của tảo băng đỏ trong sông băng. Nhưng ngay cả khi các chuyên gia tìm ra dấu vết carbon thì không có loại tảo nào gây ra được hiện tượng này.

Đến tận năm 2023, theo một bài báo được công bố trên tạp chí Frontiers in Astronomy and Space Science, một nhóm các nhà nghiên cứu do Đại học Alaska Fairbanks và Cao đẳng Colorado dẫn đầu đã giải thích được bí ẩn về thác máu bằng cách sử dụng kết hợp các kỹ thuật phân tích hiện đại.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những quả cầu nano siêu nhỏ trôi nổi trong nước. Phân tích hóa học chuyên sâu sử dụng tia X sau đó cho thấy những hạt này chứa các phân tử sắt, silica, canxi, nhôm, muối và các nguyên tố khác.

Các nghiên cứu trước đây đã bỏ sót những hạt nano này, vì chúng rất nhỏ và không có cấu trúc tinh thể. Hầu hết các phương pháp phân tích tiêu chuẩn được các nhà khoáng vật học sử dụng trước đó đều bỏ qua những vật liệu vô định hình như vậy.

Phân tử muối sắt nano rỉ ra khỏi sông băng và bị oxy hóa thành màu đỏ khi tiếp xúc lâu với không khí. Điều này lý giải cho màu sắc đỏ như máu của thác nước mà chúng ta thấy ngày nay.

Tuy thác nằm ở khu vực khó tiếp cận, du khách có thể đến tham quan thác máu bằng cách khởi hành từ Chile và Argentina. Hai quốc gia này là điểm xuất phát phổ biến nhất đối với những ai muốn bắt đầu chuyến thám hiểm Nam Cực.

Màu đỏ của nước tại thác máu - Ảnh cắt từ video
Màu đỏ của nước tại thác máu - Ảnh cắt từ video
TN (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Thác máu" bí ẩn ở Nam Cực khiến giới khoa học trăn trở cả trăm năm