Một nhiếp ảnh gia thiên nhiên đã chụp được hình ảnh cận cảnh tảng băng trôi lớn nhất thế giới trong hành trình tới Nam Cực.
Theo hình ảnh vệ tinh, tảng băng trôi khổng lồ đang trôi qua mũi phía bắc của bán đảo Nam Cực, được tiếp sức bởi gió và dòng hải lưu mạnh.
Với diện tích gần 4.000 km2, tảng băng trôi ở Nam Cực mang tên A23a có kích thước gần gấp 3 lần thành phố New York của Mỹ.
Kể từ khi tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne ở Tây Nam Cực vào năm 1986, A23a - từng là nơi đặt trạm nghiên cứu của Liên Xô - đã đứng yên do phần đế mắc kẹt dưới đáy Biển Weddell.
Các nhà khoa học tin rằng việc tảng băng này tách khỏi Nam Cực là một hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo về những tác động nghiêm trọng có thể xảy ra khi mực nước biển toàn cầu dâng cao.
Ông Robbie Mallett, nhà khoa học về băng biển, nhà nghiên cứu danh dự tại Đại học College London, cho biết có một số lý do khiến A23a thu hút sự chú ý của mọi người.
“Thứ nhất là tảng băng trôi này vô cùng lớn. Đây là tảng băng trôi lớn nhất thế giới hiện nay. Đây là phép ẩn dụ cho thấy tảng băng này và Nam Cực rộng lớn như thế nào. Nó lớn đến mức đáng kinh ngạc và là lời cảnh báo về mức độ rủi ro khi mực nước biển dâng cao”, ông Mallett nói với CNBC tại hội nghị khí hậu COP28.
Trước đó, tảng băng trôi nặng gần 1 nghìn tỷ tấn này đã được nhìn thấy trôi tự do ngoài vùng biển Nam Cực về phía Nam Đại Dương.
Theo dự đoán, tảng băng này sẽ trôi tới một khu vực được gọi là “hẻm băng trôi”, đưa nó vào quỹ đạo các tảng băng trôi chung về phía hòn đảo miền núi Nam Georgia.