Góc nhìn

Khắc phục tình trạng cán bộ né việc

HỒ QUANG PHƯƠNG 21/09/2023 14:00

Thời gian qua, tình trạng cán bộ né việc, né trách nhiệm diễn ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện tượng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không phải là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả một số bộ, ngành Trung ương. Tâm lý sợ sai thể hiện rõ trong giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đã được báo chí phản ánh.

Tâm lý sợ sai từ những lĩnh vực nhạy cảm có dấu hiệu lan rộng sang nhiều lĩnh vực, thậm chí xuất hiện hiện tượng né việc, cán bộ không muốn ký bất cứ văn bản nào.

Đặc biệt, một số cán bộ luân chuyển công tác càng có biểu hiện ngại việc, có tâm lý thủ thế, tránh sai sót, để chờ hết thời gian luân chuyển.

Điều này làm trì trệ và chậm trễ nền công vụ, bào mòn và giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế-xã hội; cản trở nguồn lực và động lực phát triển, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Đáng lo ngại là đang có lối nghĩ khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, công chức là "không làm thì không sai". Đây là dấu hiệu "tự diễn biến" trong tư tưởng chính trị của cán bộ, công chức, gây cản trở nghiêm trọng tới kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và sự phát triển của địa phương, đơn vị.

Công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, nhiều cán bộ, công chức sai phạm nghiêm trọng bị kỷ luật, khởi tố dẫn đến một bộ phận có tâm lý sợ sai. Nhìn nhận với góc độ tư tưởng chính trị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh rằng, dù vì nguyên nhân nào thì cán bộ sợ sai, không dám làm là vi phạm quy định, có biểu hiện suy thoái, cần nghiêm khắc phê phán và phải có giải pháp để triệt tiêu hiện tượng tiêu cực này.

Nhìn ở khía cạnh luật pháp, đồng chí Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hành vi không làm gì cả là vi phạm pháp luật bởi không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước trao. Như vậy là vô trách nhiệm và vi phạm pháp luật, phải xử lý.

Tuy nhiên, tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện nay chưa thấy những quy định cụ thể để xử lý cán bộ, công chức né việc, chỉ thấy các quy định xử lý khi cán bộ không chấp hành giờ làm việc, nghỉ việc không đúng quy định, làm việc riêng trong giờ hành chính... Còn khi cán bộ, công chức vẫn ở cơ quan theo đúng quy định thì không dễ để xử lý khi công việc chưa hoàn thành.

Để giải quyết tình trạng chây ỳ, né việc, né trách nhiệm trong cán bộ, công chức hiện nay, nên nghiên cứu thực hiện một số giải pháp.

Trước hết, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ. Cần chọn bằng được những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giao trọng trách người đứng đầu. Muốn vậy thì phải thực hiện tốt quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

Thứ hai, cần thường xuyên xem xét, sửa đổi các luật, các quy định không phù hợp với thực tiễn, để luật mang tính khả thi cao, tránh rủi ro cho đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ.

Thứ ba là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Chọn cán bộ tốt đồng thời cũng phải có phương pháp và quy định để đánh giá đúng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.

Thứ tư là đối với cán bộ trong diện quy hoạch, được luân chuyển công tác, cần xem xét kỹ chất lượng hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí luân chuyển. Không nên để tồn tại tâm lý “án binh bất động” trong một bộ phận cán bộ thuộc diện quy hoạch được luân chuyển để thử thách. Chính thời gian luân chuyển này là cơ hội để cán bộ thể hiện rõ năng lực, nhiệt huyết cống hiến, từ đó tổ chức mới sắp xếp cán bộ theo quy hoạch.

Thứ năm là cần xây dựng và áp dụng các công cụ để định lượng, đánh giá một cách chính xác, khoa học chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Thứ sáu là cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần “7 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Thứ bảy là đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức cách mạng, năng lực, trình độ; phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Khi những yếu tố nêu trên được tích lũy đầy đủ, người cán bộ sẽ luôn phát huy tốt tinh thần “7 dám”, không sợ trách nhiệm, không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm.

HỒ QUANG PHƯƠNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục tình trạng cán bộ né việc