Từ trưa 6/9, kênh YouTube của Báo Hải Dương phát trực tiếp đường đi của bão số 3 (siêu bão Yagi).
Cập nhật từ các thông tin trên báo chí đến 21 giờ ngày 6/9, siêu bão Yagi (cơn bão số 3) là cơn bão số 11 vào Trung Quốc trong năm nay, đổ bộ vào bờ biển thị trấn Ông Điền, thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam lúc lúc chiều 6/9. Với sức gió thổi bay người, chính quyền Hải Nam đã yêu cầu người dân không rời khỏi nhà và ra lệnh đóng cửa tất cả doanh nghiệp, chợ, phương tiện giao thông công cộng, điểm tham quan du lịch, trường học. Họ đã sơ tán khoảng 400.000 người trước khi bão đổ bộ.
"Yagi có thể sẽ là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào bờ biển phía nam Trung Quốc kể từ năm 2014, khiến công tác phòng chống lũ lụt gặp nhiều khó khăn", Xinhua cho hay.
Đêm 6/9, bão được dự báo vượt qua đảo Hải Nam, đi vào vịnh Bắc Bộ và đến 1h sáng 7/9 cách Quảng Ninh khoảng 230 km với sức gió mạnh nhất cấp 14, tức 166 km/h, giật cấp 17. Khoảng trưa 7/9, tâm bão đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh - Nam Định, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15.
Bão sau đó giữ hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km/h, đi sâu vào các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình...
Trưa 6/9, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm có siêu bão hình thành ngay trên Biển Đông.
Và theo thống kê, chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông, mạnh lên thành siêu bão mà ảnh hưởng đến Việt Nam. Chỉ có hai cơn đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực này đạt siêu bão, nhưng không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Đó là bão Rai tháng 12/2021, đạt cấp 16 ở Biển Đông, hướng vào miền Trung nhưng sau đó đi vòng lên, tan dần ở Bắc Biển Đông. Thứ hai là bão Sao La tháng 8/2023, đạt cấp siêu bão trên Biển Đông và đi vào nam Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.
Bản tin bão số 3 chiều tối 6/9 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo từ sáng 7/9, khu vực Hải Dương có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
Từ đêm nay 6/9 đến ngày 9/9, khu vực tỉnh Hải Dương có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa các nơi phổ biến như sau:
Khu vực Đông Bắc tỉnh gồm TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà có lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 300mm.
Khu vực Tây Nam tỉnh gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và TP Hải Dương có lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi trên 350mm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc, sét và gió giật mạnh trước khi bão đổ bộ.
Tác động của mưa lớn, có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc; làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông, có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường; có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng... Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp để phòng, chống bão.