Việc phân luồng, khám bệnh cho người có dấu hiệu nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn bộc lộ kẽ hở.
Hải Dương đã ghi nhận tổng số 26 ca mắc Covid-19. Riêng trong đợt 2 (từ ngày 25.7 đến nay) ghi nhận 21 ca, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 18 ca tại cộng đồng. Trong những ca tại cộng đồng có 2 bệnh nhân (BN) 751 và 1045 đến khám, điều trị tại cơ sở y tế trước khi phát hiện nhiễm bệnh. BN 751 được phát hiện nhiễm vào ngày 6.8, BN 1045 ghi nhận ngày 2.9. Dù có khoảng thời gian cách xa như vậy nhưng các bệnh viện vẫn bộc lộ kẽ hở trong phân luồng, khám bệnh cho người có dấu hiệu nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Ngày 5.8, BN 751 đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thời điểm đó, Hải Dương chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 (đợt 2), nhưng tại Đà Nẵng, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. BN có hộ khẩu thường trú tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Ngày 5.8, BN có biểu hiện sốt và vào thẳng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh. Liên quan đến BN này, có ít nhất 7 cán bộ, nhân viên bệnh viện thuộc các khoa, phòng cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm, tổ chức cán bộ trở thành F1, phải cách ly tập trung. Sau đó, bệnh viện phải cách ly khoa cấp cứu và dừng tiếp nhận điều trị BN nội trú từ ngày 10-22.8.
BN 1045 liên quan đến 2 bệnh viện là Đa khoa Hòa Bình và Đa khoa tỉnh. BN đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ngày 27.8. Đây là thời điểm dịch Covid-19 đã bùng phát ở tỉnh ta với tổng số 16 ca tại cộng đồng, TP Hải Dương có 2 ổ dịch. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, BN có biểu hiện sốt cao, người mệt mỏi nhiều. Đây đều là những dấu hiệu nghi ngờ của người mắc Covid-19, nhưng BN chỉ được chỉ định chụp X-quang, siêu âm ổ bụng, lấy máu làm xét nghiệm. BN chờ kết quả khoảng 1 tiếng, sau đó quay lại phòng khám nội để nhận đơn thuốc, rồi về nhà.
3 ngày sau (ngày 30.8), BN tiếp tục sốt cao, đau đầu, lúc đó người thân đã đưa BN đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. BN được khám sàng lọc tại khu cấp cứu I, sau đó chuyển sang khu cấp cứu II, làm xét nghiệm máu, điện tim. Cuối cùng được chỉ định về cách ly và điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.
Với quy trình xử lý như trên, kết quả là sau khi phát hiện BN dương tính với SARS-CoV-2, hàng chục y, bác sĩ, nhân viên y tế ở hai bệnh viện đã phải cách ly. UBND tỉnh đã thiết lập vùng cách ly y tế tại một số khu vực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trong 14 ngày kể từ ngày 4.9. Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Các cơ sở khám chữa bệnh là nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế thường xuyên chỉ đạo, khuyến cáo các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia nêu rõ nguyên tắc chung đối với các bệnh viện khi tiếp nhận người có triệu chứng viêm đường hô hấp (ho, sốt, chảy nước mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người), người có yếu tố dịch tễ (đi từ nước ngoài về, tiếp xúc với người nhiễm hoặc có nguy cơ...) phải hướng dẫn, sàng lọc và khám riêng, tránh lây nhiễm cho các đối tượng khác trong bệnh viện. Bệnh viện cần thiết lập quy trình đón tiếp, sàng lọc, khám bệnh, phân loại, cách ly, chuyển viện riêng cho người có triệu chứng viêm đường hô hấp, người có yếu tố dịch tễ bắt đầu ngay từ cổng bệnh viện.
Như vậy, với 2 BN nêu trên, cách xử lý của các bệnh viện chưa chặt chẽ, chưa hoàn toàn đúng quy định, tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Ngày 3.9, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu tỉnh Hải Dương nghiêm túc xử lý, rút kinh nghiệm đối với các cơ sở khám chữa bệnh đã không phát hiện được ca bệnh nghi ngờ để kịp thời cách ly và báo cho các cơ quan liên quan quản lý.
Từ bài học của 2 bệnh viện trên, ngành y tế cần kiểm tra lại quy trình đón tiếp BN của các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh những nơi chưa thực hiện nghiêm quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh không bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
NGỌC TUYỂN