Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, bao gồm người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và tổng thể nền kinh tế.
Khách hàng thanh toán qua QR Code tại siêu thị
Do đó, thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng
Thanh toán không dùng tiền mặt là cách thức thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ không có sự xuất hiện của tiền mặt mà được tiến hành bằng cách trích tiền từ tài khoản của người chi trả chuyển vào tài khoản của người được trả hoặc bằng cách bù trừ lẫn nhau thông qua vai trò trung gian của các tổ chức tín dụng. Theo đó, chỉ cần một thiết bị kết nối internet như laptop, smartphone và tài khoản online do ngân hàng cung cấp là có thể thanh toán cho rất nhiều dịch vụ, hàng hóa mà không cần tới quầy, không dùng một đồng tiền mặt nào.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đối với người dân và doanh nghiệp, lợi ích có được từ hoạt động này là nhanh chóng (kể cả các giao dịch có giá trị lớn hay có khoảng cách địa lý lớn), an toàn (tránh được các rủi ro mang tiền mặt như: tiền giả, mất cắp) và chính xác (chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ); Đối với các tổ chức tín dụng, muốn thanh toán không dùng tiền mặt, người dân và doanh nghiệp phải mở tài khoản và gửi tiền tại ngân hàng, từ đó, sẽ tạo ra nguồn cung tiền khá lớn giúp các ngân hàng huy động vốn một cách dễ dàng để tăng cường hoạt động tín dụng; Đối với tổng thể nền kinh tế, sẽ giúp giảm các chi phí để in ấn, vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền; đồng thời cũng góp phần giảm lạm phát do giảm lượng tiền mặt trong lưu thông.
Có thể kể đến một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến hiện nay như: Internet banking, E-banking, Home banking, Phone banking, Mobile banking, ATM, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, séc, chuyển tiền điện tử, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, thanh toán qua tài khoản cá nhân, thanh toán online, Master card, Visa card…
Trên thế giới, tính đến cuối năm 2018, tiền di động đã có mặt ở 90 quốc gia với 866 triệu tài khoản đã đăng ký. Khách hàng thường xuyên sử dụng tiền di động chi tiêu là 206 USD/ tháng. Ước tính bình quân mỗi ngày có 1,3 tỷ USD được ngành công nghiệp tiền di dộng xử lý.
Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai ngày càng sâu rộng trong 2 lĩnh vực chính là dịch vụ công và các hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được áp dụng nhiều trong các dịch vụ công như: Thu thuế điện tử, nộp viện phí, học phí, tiền điện, nước… Việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các kênh tiêu dùng, sàn thương mại điện tử, bán lẻ, dịch vụ khác mới ở bước đầu phát triển nhưng đang có xu hướng tăng lên.với sự tăng trưởng thanh toán di động lên đến 160% trong năm 2018, Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực ở lĩnh vực này.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 25%), giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5%... 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64 triệu giao dịch, giá trị trên 35,7 triệu tỷ đồng, tăng trên 23% về số lượng và hơn 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Mỗi ngày, hệ thống giao dịch liên ngân hàng tại Việt Nam thực hiện lượng giao dịch lên tới 13 tỷ USD. Con số này cho thấy những bước chuyển dịch lớn trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là chủ trương lớn được Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm và được Ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành tích cực phối hợp triển khai thời gian qua.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30-12-2016, Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23-2-2018, Phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công. Cùng với đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức các hội thảo nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với sự tham gia và chỉ đạo của các đại diện Chính phủ.
Mới đây, tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” (ngày 11-6-2019), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, trong thời gian tới, việc thanh toán không dùng tiền mặt cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực cũng như thúc đẩy các dịch vụ khác phát triển.
Để làm được điều này, Phó Thủ tướng đề nghị, Ngân hàng nhà nước phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh, làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, các cơ quan chức năng rà soát, chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc gia về QR code trong thanh toán không dùng tiền mặt; chuẩn hóa hệ thống thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công, bao gồm hành chính công, sự nghiệp công và dịch vụ công ích và các chính sách liên quan đến phí sử dụng dịch vụ.
Cùng với đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện nước, học phí, an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế.
Để tiến tới xã hội không dùng tiền mặt, Ngân hàng nhà nước định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho thanh toán, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin; trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng 4.0 trong ngành ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng...
Riêng trong năm 2019, Ngân hàng nhà nước sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, quy định một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng.
Theo TTXVN