Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản, trong đó yêu cầu chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh; chết nhiều không rõ nguyên nhân hoặc chết do môi trường, thời tiết có trách nhiệm báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh trên phạm vi rộng, có thể báo cáo vượt cấp lên chính quyền và Chi cục Thú y, Cục Thú y để kịp thời tổ chức chống dịch.
Với ổ dịch bệnh động vật thủy sản, chủ cơ sở nuôi có thể xử lý bằng một trong các hình thức: thu hoạch động vật thủy sản, chữa bệnh động vật thủy sản, tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh. Trong đó, khi thu hoạch động vật thủy sản trong ổ dịch bệnh phải thông báo với Trạm Thú y về mục đích sử dụng; không sử dụng để làm giống, thức ăn tươi sống cho động vật thủy sản khác; chỉ vận chuyển động vật thủy sản đến các cơ sở thu gom, mua, bán, sơ chế, chế biến và không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình vận chuyển.
Khi chữa bệnh cho động vật thủy sản, phải bảo đảm nguyên tắc: chỉ chữa bệnh đối với những bệnh có phác đồ điều trị, động vật thủy sản bị bệnh có khả năng được chữa khỏi bệnh và đã xác định được bệnh; chỉ sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh phải được thực hiện bởi tổ tiêu hủy gồm đại diện Trạm Thú y, cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản cấp huyện, UBND cấp xã và chủ cơ sở có động vật thủy sản mắc bệnh…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.