Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, chuyên gia về môi trường cho biết, chất lượng không khí mấy ngày nay được cải thiện đáng kể do gió mùa Đông Bắc cuốn đi bụi mịn.
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng (nguyên Tổng Cục phó Tổng cục Môi trường), Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, trong mấy ngày nay, miền Bắc đang hứng chịu đợt không khí lạnh đầu mùa, chất lượng không khí lại được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Nguyên nhân là do yếu tố gió mùa Đông Bắc thổi cuốn bụi mịn đi, khiến bầu không khí trong lành hơn.
“Từ 15.12, kết quả quan trắc không khí hiển thị màu vàng với màu xanh (tương ứng với chất lượng không khí ở mức đạt chuẩn). Tuy nhiên, tôi phải khẳng định, chất lượng không khí đang có chiều hướng tốt không phải do chúng ta kiểm soát tốt các nguồn thải, mà đó là do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết” - ông Tùng nói.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường), từ nửa cuối tháng 10 tới nay, chất lượng không khí có diễn biến xấu so với những tháng trước đó, đặc biệt trong đầu tháng 11 và đầu tháng 12 đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc.
Chất lượng không khí ngày càng tiêu cực, người dân tự bảo vệ sức khỏe bằng cách mang khẩu trang
Kết quả đo trong tháng 11 và đầu tháng 12.2020 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị cho thấy, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hầu hết đều cao hơn các đô thị khác.
Riêng thủ đô Hà Nội đã có 11.41 ngày thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với quy chuẩn.
Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức kém, đặc biệt tập trung nhiều từ đầu tháng 12 tới đây.
Dù được dự báo ô nhiễm không khí có thể kéo dài, tuy nhiên đợt không khí lạnh có gió mùa Đông Bắc đang giúp chất lượng không khí được cải thiện thời điểm hiện tại
Tại các khu vực trong nội thành Hà Nội từ đầu tháng 11 đến nay, thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại nhiều trạm quan trắc không khí tự động trong khu vực nội thành khá cao, tập trung thành những đợt ô nhiễm (diễn ra trong khoảng 2-3 ngày).
Những đợt ô nhiễm này xảy ra trong nửa đầu tháng 11 và đầu tháng 12.2020. Trong những ngày này, hầu hết các trạm đều cho thấy thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn.
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng nhìn nhận, các số liệu quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại các khu đô thị ngày càng giảm, đặc biệt là bụi mịn PM 2.5 - loại bụi có kích thước nhỏ hơn sợi tóc người 30 lần và có khả năng chui sâu vào hệ hô hấp cũng như máu của con người, gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe.
Chất lượng không khí ngày càng tiêu cực
Nồng độ PM2.5 những năm gần đây ngày càng vượt mức quy chuẩn cho phép, cho thấy thực trạng ô nhiễm không khí đáng báo động.
Lý giả nguyên nhân, TS Hoàng Dương Tùng phân tích: Chất lượng không khí phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, nguồn thải bảo gồm nguồn thải từ sản xuất, giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ… Thứ hai, yếu tố thời tiết tác động.
“Hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm, sương mù…, tất cả những yếu tố đó đều ảnh hưởng tới luồng không khí, và đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới tất cả các vật chất bên trong luồng không khí đó. Trong đó có bụi mịn PM 2.5"- ông Tùng nói.
Người dân tự bảo vệ mình trước ô nhiễm không khí bằng việc mang khẩu trang
Mùa đông, do gió lặng, trời nặng sương mù, nhiều ngày xảy ra hiện tượng nghich nhiệt… bụi mịn bay sát mặt đất, không bốc lên cao, không bay đi xa. Trong những ngày như thế, nồng độ bụi mịn rất cao khiến chỉ số chất lượng không khí xấu, quan trắc cho thấy màu đỏ, tím chiếm tỷ lệ nhiều.
Cộng hưởng với ô nhiễm từ sản xuất, khói bụi, giao thông… là những nguồn thải khiến chỉ số chất lượng không khí rất xấu.
Các tỉnh miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, chất lượng không khí ô nhiễm đã xảy ra từ nhiều năm chứ không phải riêng năm nay.
Tuy nhiên, ô nhiễm mức độ nào, cần đánh giá sâu hơn của các nhà khoa học, các bộ, ngành. Nhiều quốc gia đã có công cụ dự báo chất lượng không khí dựa vào thời tiết, vào các nguồn thải và các thiết bị quan trắc.
Việt Nam thời điểm hiện tại mới chỉ đưa ra các thông tin mang tính ước lượng.
Trả lời câu hỏi, trong gần chục năm trở lại đây chất lượng không khí suy giảm hơn, nguyên nhân từ đâu, ông Tùng lý giải: để xác định được điều đó phải có số liệu cụ thể.
“Tuy nhiên, mấy năm gần đây chúng ta có thông tin về chất lượng không khí, đó là do có các trạm quan trắc đo theo giờ, theo ngày. Những năm trước chưa có quan trắc nên chưa có thông tin.
Trên thế giới đã có nhiều công nghệ mới như đo chất lượng không khí từ vệ tinh, từ trạm quan trắc… để có thể theo dõi, cung cấp thông tin cho người dân.
Vì sao chất lượng không khí ngày càng tiêu cực?
Các nguồn thải tăng lên qua thời gian do các cơ sở sản xuất tăng, các hoạt động xã hội gây nguồn thải cũng tăng.
Việc đốt rác, phương tiện giao thông tăng 10 – 15%.
"Mặc dù đã có một số biện pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng tôi nghĩ rằng nó chưa tới”- ông Tùng khẳng định.
Về khuyến cáo người dân phản ứng như thế nào trước tình trạng chất lượng ô nhiễm suy giảm, TS Hoàng Dương Tùng nói: "Trước tiên, các cơ quan chuyên môn nên có những khuyến cáo hàng ngày, đưa thông tin chính thức tới người dân giống như việc dự báo thời tiết.
Ngoài ra, cần có các kế hoạch cụ thể giống như những chương trình hành động, ví dụ như chất lượng không khí ô nhiễm như vậy, người dân, trường học làm như thế nào, chính quyền có chương trình gì…, giống như kịch bản đối phó với Covid thời gian qua.
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, với người dân, cần chủ động theo dõi các chỉ số chất lượng không khí hàng ngày để đối phó, tự bảo vệ bản thân.
“Một điều không phải nghi ngờ, đó là những ngày chất lượng không khí xấu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tại sao chúng ta không tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tự tìm hiểu, tra cứu thông tin, tự mình chủ động có kế hoạch cho phù hợp, hạn chế ra ngoài vào những ngày chất lượng không khí xấu” - TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo.
Theo Vietnamnet