Trên một chuyến bay gần chục năm trước, tôi vinh hạnh ngồi cạnh một lãnh đạo ngành y tế - người vừa là nhà khoa học xuất sắc, vừa là một chính trị gia và nhà quản lý mà tôi ngưỡng mộ.
Chúng tôi có hơn một giờ trò chuyện thú vị mà chủ đề chính là xã hội hóa y tế. Thời điểm đó cụm từ này được nhắc đến như một hướng đi đột phá của ngành y. Mọi địa phương đều khuyến khích sự tham gia của tất cả thành phần trong xã hội vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bộ mặt ngành y khởi sắc, trang thiết bị hiện đại có mặt ở vùng sâu, vùng xa; những cơ sở y tế tư nhân khang trang mọc lên... Cách làm này được khẳng định rộng rãi là đúng đắn, cần phát huy mạnh mẽ. Tuy nhiên ngay từ lúc ấy tôi đã băn khoăn, vì phát triển kiểu tự phát như vậy không sớm thì muộn, bất cập sẽ nảy sinh và hậu quả sẽ nặng nề cho hệ thống an sinh quan trọng nhất nhì của xã hội.
Khuyến khích người dân đầu tư vào y tế là chủ trương đúng đắn nhưng cần có hướng dẫn rõ ràng. Nhà nước không có nguồn lực thì tư nhân có thể làm thay, nên cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ y tế tư nhân phát triển, nhưng lại rất cần minh bạch công - tư.
Không thể xã hội hoá bằng cách cho tư nhân bỏ tiền mua máy đặt trong bệnh viện rồi khai thác chia lợi nhuận; hay xây hẳn một khu trong viện công để tư nhân vận hành như một phòng khám tự nguyện.
Lấy ví dụ đơn giản, nếu có một máy chụp cắt lớp của nhà đầu tư đặt trong bệnh viện công để thu lợi nhuận, sẽ khó đảm bảo mọi y lệnh chụp chiếu là hoàn toàn đúng chỉ định. Sự lạm dụng sẽ xảy ra, nhưng dưới hình thức được đồng thuận cao.
Phân bổ lợi nhuận trong hình thức xã hội hóa cũng là một ma trận vì không có quy định quản lý nào đề cập chi tiết vấn đề này.
Quản lý hoạt động khám chữa bệnh, cũng như tài chính của bệnh viện công, cần minh bạch nhất quán, vì chỉ để xảy ra một sự không rõ ràng, một xuất phát điểm thiếu tường minh, "con tàu" sẽ trật bánh.
Chính vì vậy trong phiên họp đại biểu quốc hội chuyên trách hôm 8/9, tôi đã đề xuất bỏ cụm từ "xã hội hóa y tế".
Theo tôi, chỉ nên quy định ba hình thức hợp tác công - tư trong y tế.
Hình thức đầu tiên là cho vay. Điều này nên được khuyến khích để các bệnh viện có thể đứng tư cách pháp nhân, vay của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế. Bệnh viện sau đó đầu tư bằng nguồn tiền vay và có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như một doanh nghiệp. Hình thức này trả lời cho những thắc mắc của nhiều người về việc không xã hội hóa lấy đâu ra nguồn lực đầu tư cho y tế vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tư nhân có lợi thế vốn để mua máy móc đặt ở bệnh viện, vậy tại sao không cấp vốn với lãi suất ưu đãi để bệnh viện mua. Nhà đầu tư đều tính toán đến phương án thu hồi vốn khi đặt máy, vậy nên, để bệnh viện vay tiền mua là hoàn toàn khả thi. Hơn nữa các tổ chức tín dụng cho vay sẽ là đơn vị giám sát không thể tốt hơn.
Thứ hai là thuê. Hình thức thuê đã có nhưng hiện chưa rõ ràng để các bệnh viện thực hiện, khiến nhiều bất cập xảy ra, chẳng hạn trong lĩnh vực xét nghiệm. Việc không có quy định rõ ràng tạo ra câu chuyện con gà - quả trứng, hậu quả là rất nhiều máy xét nghiệm hiện đại đang bị dừng hoạt động trên cả nước.
Thuê cũng có hai chiều công - tư. Chiều thứ nhất, bệnh viện công thuê phương tiện, trang thiết bị tư nhân, ví dụ các loại máy móc đắt tiền. Bệnh viện chịu trách nhiệm thuê để hoạt động hiệu quả.
Chiều thứ hai là tư nhân thuê nguồn lực, thương hiệu của bệnh viện công. Chiều này rất khó nhưng trong nên đặt ra hướng để các luật, nghị định hỗ trợ, giúp nó trở thành hiện thực.
Với hình thức cho thuê, có thể tham khảo cách vận hành của các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới như tập đoàn Accor, sở hữu các thương hiệu như Sofitel, Novotel, Movenpick.... Họ không trực tiếp xây khách sạn mà các nhà đầu tư bỏ tiền xây và thuê các thương hiệu của Accor vận hành. Đấy chính là cách hiện nay đang triển khai rất hiệu quả tại Việt Nam.
Y tế công có thương hiệu, nguồn lực chất xám lớn nhưng không đủ khả năng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và hạn chế về mặt quản trị. Chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, chất xám các bác sĩ, điều dưỡng, các nhà khoa học; phối hợp với khả năng vận hành linh hoạt của tư nhân.
Tất nhiên rất khó định giá thương hiệu bệnh viện cũng như y bác sĩ nhưng nếu không làm, ngành y sẽ mất đi một hướng hợp tác công - tư theo tôi là hiệu quả nhất.
Thứ ba là hợp tác công tư phi lợi nhuận trong lĩnh vực y tế. Đây là hướng thế giới đã triển khai từ rất lâu. Những bệnh viện lớn của Hàn Quốc hiện nay đều vận hành theo nguyên lý này. Các tập đoàn lớn như Huyndai, Samsung... đều có bệnh viện riêng và phi lợi nhuận. Việt Nam đã có bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công - tư phi lợi nhuận.
Hợp tác công - tư phi lợi nhuận là các nhà hảo tâm, tập đoàn hay các quỹ tài chính xây dựng cơ sở vật chất rồi cho bệnh viện công vận hành. Lợi nhuận (nếu có) sẽ không chia mà giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên và các bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh quá khó khăn.
Đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ có rất nhiều tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước, phục vụ người bệnh. Lợi ích thu về là danh tiếng cho tổ chức của mình cũng như những khoản đầu tư ấy sẽ được miễn thuế theo thông lệ trên thế giới.
Hợp tác luôn là bài toán khó, ngay cả giữa các cá nhân, tổ chức không sử dụng ngân sách hay tài sản nhà nước. Hợp tác công - tư trong y tế vì vậy là bài toán rất khó tìm ra lời giải đúng hoàn toàn. Tuy nhiên không thể coi xã hội hoá y tế là tư nhân bỏ tiền của thay cho nhà nước, đầu tư vào hệ thống y tế công để tất cả cùng có lợi.
Để giải tốt bài toán này, sự đóng góp của các nhà hoạch định chính sách là điều cần thiết, nhằm tạo nên sự thay đổi có tính chất sống còn của ngành y tế Việt Nam.
Theo VnExpress