Trời mưa lạnh, khán giả vẫn kéo nhau đến xem kịch. Vì yêu Lưu Quang Vũ và vì cả tò mò rằng Hồn Trương Ba, da hàng thịt năm 2024 do đạo diễn Nhật dàn dựng sẽ ra sao?
Lưu Quang Vũ viết vở kịch nói Hồn Trương Ba, da hàng thịt từ năm 1981 - 1984 nhưng tới năm 1986 mới được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dựng thành kịch, trở thành tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam.
Mùa xuân này, tác phẩm của Lưu Quang Vũ vừa tròn 40 tuổi và vẫn chưa hết sự hấp dẫn, "ghê gớm và thú vị" của nó (một lời thoại của Trương Ba).
Hồn Trương Ba, da hàng thịt vừa công diễn ba đêm đầu năm (từ 12 tới 14-1) có gì khác? Đây là vở diễn hợp tác quốc tế khi kịch bản của một tác gia nổi tiếng Việt Nam được dàn dựng bởi đạo diễn Nhật Bản (Tsuyoshi Sugiyama).
Ông sử dụng ngôn ngữ sân khấu kinh điển của Tây phương hòa trộn cùng tinh thần Á Đông để mang đến một tinh thần mới cho trước tác của Lưu Quang Vũ.
Giao lưu với khán giả sau buổi diễn, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama nói trong lần dàn dựng này, ông muốn tập trung vào "sự lãng quên" và những khía cạnh bất toàn mà thế giới đang đối mặt như chiến tranh, xung đột, con người dễ dàng đánh mất bản thân mình.
Hàng chục năm qua đã có nhiều bản dựng lại Hồn Trương Ba, da hàng thịt và tiên cờ Đế Thích đều là nam. Nhưng lần này ê kíp đã "đổi" giới tính cho Đế Thích thành nữ. Vợ anh hàng thịt nhu mì, dịu dàng, không còn vẻ xôi thịt, dám thể hiện cảm xúc cũng như khát vọng trong tình yêu. Hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản mới nhất gửi đến một thông điệp nữ quyền của thời đại mới.
Sân khấu tối giản. Hóa trang thoát khỏi một Hồn Trương Ba, da hàng thịt ít nhiều còn tính ước lệ và gắn với hình ảnh thẩm mỹ đóng đinh trước đây, trong phiên bản mới người nông dân mặc váy, ăn vận hiện đại, những cô tiên ăn mặc sexy, đi giày cao gót...
Cách bố trí nghệ sĩ chơi guitar "sống" ở một góc sân khấu, thỉnh thoảng gảy những cú riff mảnh theo diễn biến câu chuyện tạo cảm giác sống động, tâm thế nhập cuộc cho người xem.
Tuy nhiên, xem vở kịch có một số khán giả quá yêu Lưu Quang Vũ, yêu đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cùng dàn diễn viên gạo cội của sân khấu Việt Nam như NSND Trọng Khôi (Trương Ba), Trần Tiến (Đế Thích), Phạm Bằng (lý trưởng)... cảm thấy bị sốc.
Từ trang phục, hóa trang, lời thoại, cách thoại, nét diễn, đường dây kịch bản... trong phiên bản này khác xa tính mẫu mực, cổ điển của sân khấu Việt Nam những năm 1980 - 1990.
NSND Lê Khanh - con gái nghệ sĩ Trần Tiến - phát biểu cuối suất diễn đêm 14/1 rằng bà quá thích phiên bản mới này. "Nếu là bố tôi, hẳn ông sẽ hài lòng khi nhìn thấy phiên bản mới với bà tiên Đế Thích và không khí đương đại của vở diễn này".
Dựa theo tích dân gian, Lưu Quang Vũ viết vở kịch nói Hồn Trương Ba, da hàng thịt với nhiều ý nghĩa triết học, thể hiện nội dung tư tưởng sâu sắc qua bi kịch hồn nọ buộc phải sống trong xác kia.
Tác phẩm ra đời cách nay mấy chục năm nhưng vẫn nguyên tính thời sự về thói giả trá, nạn quan liêu và bi kịch của con người.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái từng gọi Hồn Trương Ba, da hàng thịt là "tác phẩm duy nhất của sân khấu Việt Nam đạt tới một số phận văn hóa".
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - giám đốc sản xuất vở diễn lần này - nói nếu phải chọn một tác phẩm sân khấu giới thiệu ra bên ngoài, "chỉ có thể là Hồn Trương Ba, da hàng thịt".
Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama nói ông bị hấp dẫn bởi tính toàn cầu và tính thời đại của tác phẩm.
Với ông, tác phẩm của Lưu Quang Vũ có sức cuốn hút kỳ lạ, không liên quan đến việc ông là người Nhật hay người Việt và "nó cũng hấp dẫn, quyến rũ như kịch của Shakespeare hay Moliere vậy, chúng đều là di sản của sân khấu thế giới".
Năm 1986, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dựng Hồn Trương Ba, da hàng thịt và đoạt huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1990. Đây cũng là vở kịch Việt Nam đầu tiên công diễn ở nước ngoài. Năm 2002, ê kíp người Anh dựng lại vở với tên The Butcher's Skin.
Từ đó, tác phẩm được sống trải, được thẩm thấu qua nhiều bản dựng và sự "diễn dịch" khác nhau. Và chúng ta (có cả lớp khán giả trẻ) "quá yêu Lưu Quang Vũ" như diễn viên Chiều Xuân nói, Hồn Trương Ba, da hàng thịt có lẽ sẽ có một hành trình chu du (thậm chí) dài hơn cả sinh mệnh của cha đẻ của nó rất nhiều (Lưu Quang Vũ mất ở tuổi 40 - PV).
Tất nhiên, bất cứ sự diễn dịch nào, theo cách hiểu lẫn thẩm mỹ nào, cũng thật áp lực trước những chiếc bóng của thế hệ cha chú đi trước.
Những thiếu sót, những cú sốc, thậm chí những sai lầm cũng là một cách khêu gợi, thậm chí khiêu khích phê bình. Người ta dễ chỉ ra những thiếu sót nhưng cũng nhớ thêm cho "những đề tài là bao la".
Như nhà khoa học, chính trị gia người Pháp Édouard Herriot (1872-1957) từng nói "văn hóa là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả".
H.A (Theo Tuổi trẻ)