Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến 17 giờ ngày 20.8 - hạn cuối để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022, có đến 325.716 em không nhập nguyện vọng lên hệ thống.
Con số này chiếm tỷ lệ gần 1/3 trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc các thí sinh này đã bỏ việc xét tuyển đại học đợt 1 năm 2022. Điều này liệu có bất thường?
Theo một số chuyên gia tuyển sinh, quy trình đăng ký xét tuyển trực tuyến của Bộ GD&ĐT năm nay hoàn toàn khác với mọi năm. Theo đó, tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển (kể cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển tại các trường) đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống (trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo điều 8 của quy chế nếu đã xác nhận nhập học trên hệ thống). Tuy vậy, thực tế tuyển sinh năm nay với quá nhiều phương thức xét tuyển, các thí sinh đã nhận giấy báo trúng tuyển sớm có điều kiện từ các trường nên có thể các em nghĩ rằng đã chắc chắn đậu đại học như mọi năm nên không cần đăng ký gì nữa. Đây là sai lầm của thí sinh khi chưa nắm rõ quy chế mới.
Bên cạnh đó, có thể một số trường đại học cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh và cố tình làm trái quy chế tuyển sinh. Theo đó, với xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...), nếu các trường không đúng theo quy định hướng dẫn của Bộ và vẫn cho phép thí sinh đóng tiền học phí và nhập học sớm thì số thí sinh này hiện cũng không cần đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống chung nữa.
Bộ GD&ĐT sẽ triển khai việc nộp lệ phí xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến từ ngày 24.8.
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc nhiều thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung chủ yếu là do năm nay thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT xong mới đăng ký nguyện vọng. Sau khi lượng sức bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, thay vì vào đại học, nhiều em đã tìm được một hướng học tập khác.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên bậc THPT tại Hà Nội cho rằng, hiện nay nhiều phụ huynh, học sinh có xu hướng nhận thức đúng hơn về tình hình xã hội và năng lực bản thân nên có thể lựa chọn những con đường khác để vào thị trường lao động nhanh hơn, với chi phí học tập phù hợp hơn với điều kiện kinh tế của gia đình, nhất là trong bối cảnh học phí đại học đang tăng mạnh. Ví dụ như lựa chọn theo học các trường đào tạo nghề nghiệp, hệ thống trường cao đẳng nghề. Ngoài ra, hai năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh lựa chọn học trong nước nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên học sinh đi du học cũng nhiều hơn.
Còn theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, việc còn tới hơn 1/3 số thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển có thể xem là tình trạng ảo trong tuyển sinh đại học. “Có nghĩa là các thí sinh này đã đăng ký tài khoản cá nhân để đăng ký xét tuyển, nhưng bỏ cuộc sớm bằng việc không khai báo nguyện vọng lên hệ thống. Trong ít ngày tới, có thể sẽ có tình trạng thí sinh đã đăng ký nguyện vọng trên hệ thống nhưng sẽ không đóng phí xét tuyển trực tuyến”-ông Tùng cho hay.
Trước tình trạng có tới hàng ngàn thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, ngay trong ngày 21.8, Bộ GD&ĐT đã thông báo tới các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2022, nếu có bất kỳ thí sinh nào vì lý do ngoài mong muốn mà chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển vào đại học, các em phải thông tin ngay về Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT qua địa chỉ email Pvluong@moet.gov.vn trong 3 ngày từ 21.8 đến 23.8, ngay trước thời điểm nộp lý phí xét tuyển đại học trực tuyến để được đảm bảo quyền lợi.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống trong khi đó năm 2021 có 501.455 thí sinh nhập học chính quy và con số này trong năm 2020 là 441.913 thí sinh.
Theo CAND