Những người Việt bốn phương dù có tranh luận gay gắt với nhau, nhưng vẫn có gốc gác “đồng bào” để cùng hướng tới sự đoàn tụ vì tình yêu Tổ quốc.
Những ngày này, trên không gian mạng đã và đang nổ ra cuộc tranh luận với sự tham gia, theo dõi của hàng triệu người, xung quanh “Câu chuyện tháng tư”, trong đó có sự góp mặt của nhiều người sinh sau 1975. Câu chuyện được dẫn dắt bởi Nuavongtraidat.tv (Nửa vòng trái đất TV) trên YouTube qua chương trình “Hội luận 30 tháng tư” với nhiều cuộc bàn thảo về: tên gọi ngày 30.4 là giải phóng, thống nhất, ngày di cư, hay mất nước; Độc đảng hay đa đảng; Người đã về và người chưa bao giờ về Việt Nam nói gì; 45 năm và cái kết có hậu…
Có thể nói, xung quanh câu chuyện "Hội luận 30 tháng tư" có tính đối thoại, cùng bày tỏ quan điểm về sự kiện 30.4, khái niệm yêu nước, hận thù. Hội luận này có thể xem là sự kết nối giữa các thế hệ ở trong nước và ngoài nước với các góc nhìn khác nhau giữa hai phía, tạm gọi là hai phía miệt thị nhau (đúng hơn là bất đồng quan điểm về sự kiện trên). Có thể lược gọi chung một phía là những người ở hải ngoại có tư tưởng hận thù bị gọi là bọn phản động hay ba que, còn ngược lại người hải ngoại gọi trong nước là bọn Việt cộng…
Sự tranh luận khá thẳng thắn, sòng phẳng, đúng tính chất bàn luận để tìm ra chân lý xung quanh quan điểm của cựu biệt kích Hà Văn Sơn và một số người khác khi nói rằng ngày 30.4 là ngày hận thù, cuộc chiến vô minh, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ… tạo ra làn sóng phản biện rất sôi động đến từ nhiều giới. Trong các câu chuyện đó, đáng chú ý nhất là cuộc trò chuyện của 5 nhân vật đến từ 5 đầu cầu khác nhau trong “Hội luận 30 tháng 4 - 45 năm và cái kết có hậu” phát sóng ngày 21.4.2020 đã thu hút nhiều người xem và chia sẻ. 5 nhân vật đó là: Nhà báo, cựu biệt kích Hà Văn Sơn, Phong Nguyễn (Florida, Hoa Kỳ) đến Mỹ năm 2015 thuộc diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình, David Nguyễn (Texas, Hoa Kỳ), Hery Nguyễn (Vũng Tàu, Việt Nam) thuộc thế hệ sinh sau năm 1975, Nguyễn Công Đức (Hà Nội, Việt Nam).
Bày tỏ quan điểm của mình, David Nguyễn chia sẻ: "Tôi cũng từng cực đoan lên tiếng chống cộng ở Mỹ cách nay hơn hai chục năm. Có thể nói ở thời điểm đó thông tin không như bây giờ, bị bưng bít và chúng tôi bị lợi dụng. Chỉ đến khi những năm 1994-1995 chúng tôi về nước, biết được tình hình đất nước và sau này công nghệ thông tin đã cho chúng tôi hiểu biết nhiều hơn về tình hình đất nước. Không chỉ riêng tôi mà mỗi năm hàng triệu người, với lượng kiều hối hàng chục tỷ USD gửi về đã cho thấy đại đa số người Việt ở hải ngoại hướng về Tổ quốc như thế nào. Đối với những người vẫn giữ quan điểm thù hận dân tộc có thể coi họ là “những con buôn chính trị”. Tuy hiện nay họ chỉ xuất hiện trong bóng tối và bị thất bại nhưng họ vẫn phải bám víu vào vì đó là quyền lợi của họ...".
Cùng quan điểm này, Phong Nguyễn cho biết: "… Những người buôn chính trị muốn bán hàng nên phải tạo ra thị trường để bán và việc thông tin bị nhào nặn, kích động… qua thời gian mọi việc đã được đưa ra ánh sáng. Từ thực tiễn tại Việt Nam không ai có thể phủ nhận và không còn mấy người tin vào những luận điệu đó nữa...".
Dưới góc nhìn của người trẻ tuổi sinh sau 1975, Henry Nguyễn từ Vũng Tàu bày tỏ: "Tôi chưa đủ 45 tuổi nên không được trải qua thời khắc lịch sử ấy, nhưng cũng trải qua những thay đổi của đất nước 45 năm qua. Cuộc chiến đã lùi xa 45 năm nhưng có vẻ như nhiều người đang sống với quá khứ hơn là thực tại. Nên cất quá khứ ở một góc nào đó... Thời điểm hiện tại Việt Nam đang làm rất tốt chống dịch Covid – 19. Cái dân chủ, nhân quyền và tất cả gì đó không biết, nhưng cái giá trị vòng quanh cũng không đáng giá bằng mạng sống. Nhà nước Việt Nam đã và đang bảo đảm an ninh, sức khỏe tốt nhất cho người dân và đang bảo đảm môi trường tốt nhất cho đất nước phát triển. Đó chẳng phải là nơi cần về hay sao?".
Từ Hà Nội, Nguyễn Công Đức khá gay gắt khi phê phán những quan điểm của một số người đưa ra. Theo anh, họ chỉ vì lợi ích cá nhân, dùng tiền xúi giục người trong nước có hành động khủng bố như ném bom xăng, chống phá các kiểu… để rồi đẩy những người này vào vòng tù tội, đẩy gia đình họ vào cảnh ly tán. Truyền lại hận thù cho thế hệ sau là tội ác rất lớn. Hãy xem họ là những người không có lương tri, chỉ là người biết nói tiếng Việt chứ không phải người Việt và chúng ta chẳng có điều gì phải sợ họ…
Qua theo dõi ý kiến bàn thảo trên mạng xã hội trong những ngày qua, tôi không đồng tình. Từ thời Hùng Vương đến hôm nay, chúng ta đã trải qua bao cuộc kháng chiến trường kỳ để giữ gìn nền độc lập. Những cuộc kháng chiến ấy là chính nghĩa, có chủ trương, đường lối, có mục tiêu cụ thể, rõ ràng - đó là độc lập dân tộc. Cha ông ta hy sinh biết bao xương máu cho sự nghiệp vẹn toàn đó mà cớ sao lại gọi đó là cuộc chiến vô minh?
Tôi cũng thấy ấm áp khi qua “Câu chuyện tháng tư” những người Việt bốn phương dù có tranh luận gay gắt với nhau, nhưng vẫn có gốc gác “đồng bào” để cùng hướng tới sự đoàn tụ vì tình yêu Tổ quốc, vì một Việt Nam phồn thịnh và hạnh phúc. Tôi cũng thấy trân quý những tấm lòng ấy, mong rằng những ai là con dân đất Việt hãy gác lại định kiến cá nhân để hòa vào dòng chảy dân tộc. Tình yêu đất nước không có gì là lớn lao cả, nó ở trong tâm chúng ta, chẳng phải đợt cao điểm phòng chống dịch Covid -19 Chính phủ kêu gọi “ở nhà cũng là yêu nước” hay sao. Chúng ta đang trong thời điểm phải thực hiện cùng lúc nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, nếu người dân đồng thuận, chung lòng thì tôi tin rằng không chỉ chúng ta chiến thắng SARS-CoV-2 mà cả nền kinh tế cũng sẽ vượt qua đại dịch để về đích tốt nhất. Hãy “biến nguy thành cơ”, hãy biến những định kiến cá nhân thành tình yêu đất nước, chúng ta chắc chắn sẽ chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước đưa đất nước tới bến bờ vinh quang.
ĐÀM TUẤN ĐẠT (báo Quân khu 3)