Hối hận vì nghỉ hưu sớm

23/03/2022 17:16

Đúng 1 năm, 1 tháng sau khi nghỉ hưu ở tuổi 38, Hùng Tú nộp đơn xin đi làm lại dù tài khoản tiết kiệm đủ cho cả gia đình chi tiêu vài chục năm nữa.

"Tôi không thể chịu đựng thêm cuộc sống vô nghĩa, cảm giác bản thân bị đặt ngoài lề xã hội", Nguyễn Hùng Tú, 42 tuổi, kỹ sư IT ở quận 3, TP Hồ Chí Minh nói về quyết định trở lại với công việc của mình hồi tháng 10.2019.

Anh kể, lần đầu tiên nghe đến cụm từ FIRE - viết tắt của khái niệm tự do tài chính và nghỉ hưu sớm - từ năm 2015. Rất nhanh chóng, Hùng Tú nhận ra mình đủ điều kiện để đi theo trào lưu này bởi làm IT ở Việt Nam có lợi thế về thu nhập, đặc biệt khi tuổi càng lớn, kinh nghiệm càng cao. Những người có thu nhập tốt nhất còn tận dụng kiến thức để kinh doanh hoặc đầu tư chứng khoán, tiền điện tử...

Anh Tú vừa làm cho một doanh nghiệp nước ngoài, vừa điều hành riêng một công ty gia công phần mềm đồng thời đầu tư vào các mảng khác. "Đến năm 38 tuổi, tôi không còn nhu cầu kiếm tiền nữa", anh chia sẻ.

Tháng 9.2018, anh quyết định nghỉ hưu, còn vợ vẫn đi làm. Học phí trường quốc tế của hai con anh đã đóng luôn một cục tới lớp 12 nên không phải lo nghĩ. Chỉ riêng lãi từ khoản tiết kiệm mà anh tích cóp được cũng nhiều gấp đôi chi tiêu của cả gia đình hàng năm.

Những ngày đầu trút bỏ nhịp bận rộn mỗi sáng đến cơ quan, không còn những kế hoạch, không còn deadline, anh vô cùng thoải mái và tận hưởng. Tháng nào gia đình cũng du lịch. Rất nhiều sở thích trước đây chưa thể thực hiện, nay anh thoải mái dành thời gian cho nó như học đàn, vẽ tranh, đọc tiểu thuyết kinh điển, đọc sách. Anh còn lập một trang web học tiếng Anh qua các cuốn sách nổi tiếng.


Ngành IT có lợi thế về thu nhập. Khá nhiều người nghỉ hưu sớm trên thế giới và Việt Nam làm trong ngành này. Ảnh minh họa: FUNiX

Nhưng chỉ sau hai tháng, Hùng Tú bắt đầu thấy nhớ không khí ồn ào đường phố, nhớ đồng nghiệp. Để khỏa lấp thiếu hụt này, nhiều ngày anh ngồi ở quán cà phê quanh trường học của con, từ lúc đưa tới lúc đón về. Song song, anh nhận làm một số dự án, lập website dạy các quy trình trong ngành IT... để giết thời gian.

Nhưng những điều đó vẫn không làm anh kỹ sư IT 38 tuổi thỏa mãn, nhất là những lúc bạn bè chia sẻ khó khăn họ gặp trong công việc chuyên môn. Nhiều lần Tú thấy ngứa tay ngứa chân và khao khát được trở lại hàng ngũ. Những hôm ngồi quán cà phê, anh gặp những người trẻ tập trung học kiến thức hack Facebook, tăng tương tác để kiếm tiền nhanh mà không cần phát triển nền tảng và năng lực, anh rất muốn được truyền kiến thức của mình nhưng không thể khi họ chẳng biết anh là ai.

"Tôi nộp đơn đi làm lại vì nhận ra mình chẳng khác gì những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm sống, phí thời gian ra cà phê sang chảnh chỉ để tán phét, chơi game", anh nói.

Câu chuyện của Hùng Tú không phải là hiếm, nhất là với những người đang mong muốn nghỉ hưu sớm. Những chia sẻ như "Phân vân không biết có nên nghỉ hưu sớm?", "Tuổi 50 hưu sớm sẽ làm gì?", "Đi làm lại sau một thời gian nghỉ hưu sớm"... xuất hiện trên nhiều trang báo và diễn đàn thời gian gần đây.

Một nghiên cứu của tổ chức YouGov với gần 10.000 người Mỹ về ảnh hưởng của Covid-19 lên kế hoạch nghỉ hưu cho thấy có 11% người trong độ tuổi 45-54 đang lập lại kế hoạch nghỉ hưu muộn hơn. Tương tự, nghiên cứu của SimplyWise, một công ty lập kế hoạch hưu trí ở New York cũng cho thấy 44% người Mỹ sẽ trì hoãn nghỉ hưu và làm việc nếu thị trường tiếp tục khủng hoảng, 18% người sẽ làm việc thêm ít nhất 5 năm nữa.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đại dịch tác động lớn đến những người nghỉ hưu sớm. Một bộ phận đầu tư chứng khoán, đất, tiền điện tử... đang giàu lên nhanh chóng, cho phép họ được nghỉ trước dự định. Nhưng một bộ phận khác bị ảnh hưởng mạnh, khiến họ lại phải lo nghĩ kiếm tiền.

Ông Khánh dẫn ví dụ một người quen đã nghỉ hưu nhiều năm trước nhờ vào nguồn thu nhập thụ động là cho thuê nhà ở trung tâm Sài Gòn với mức 8.000 USD mỗi tháng, song dịch chỉ còn được 2.000 USD. Tổng thu nhập bị sụt giảm nên gần đây anh đã phải bán nhà, dùng tiền đó nghĩ cách kinh doanh. Một gia đình khác còn trớ trêu hơn khi mua mảnh đất 17 tỷ đồng vào năm 2019, suốt ba năm qua không bán, cũng không cho thuê được. Nếu chẳng may thị trường bất động sản đóng băng, đây sẽ thành "mảnh đất chết". Hiện cả hai vợ chồng đang tính tìm việc trở lại.

Ông Khánh cũng chứng kiến một nhóm người nghỉ hưu nhưng nhận ra họ không hề vui vẻ. Có một anh dừng kiếm tiền hai năm trước, giờ hàng tháng vẫn có thu nhập thụ động 8.000-10.000 USD nhưng chán nản vì suốt ngày đưa đón con, hạn chế tiếp xúc xã hội, kiến thức giảm. "Giữa năm ngoái, anh đã tận dụng kinh nghiệm từ thời làm thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm TikTok và YouTube, đến nay cho thu nhập rất tốt, song với anh làm chỉ để vui", chuyên gia kể.

Tiến sĩ giáo dục Chi Nguyễn, giảng viên đại học ở Mỹ và người nghiên cứu về trào lưu nghỉ hưu sớm cho biết, việc này cần 5 bước, trong đó có bước "phải cho mình một sở thích" trước khi nghỉ hưu. Khi còn đang bận rộn công việc, bạn sẽ rất muốn được nghỉ ngơi, nhưng khi đã nghỉ, bạn sẽ cảm thấy buồn chán, mất phương hướng nếu không có một sở thích hay kế hoạch rõ ràng.

Bản thân chị Chi cũng theo trào lưu này từ khi còn là một nghiên cứu sinh. "Một khi đạt được tự do tài chính, mình sẽ không bao giờ nghỉ hưu theo khái niệm truyền thống trồng cây nuôi cá, mà vẫn sẽ tiếp tục đam mê của mình là một người sáng tạo nội dung", chị nói.

Chung suy nghĩ này, chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Thanh Tùng đã nghỉ việc ở tuổi 30 khi đạt tự do tài chính. Đam mê du lịch và thiết kế sân vườn, hơn hai năm qua, anh đã du lịch qua 20 nước, rồi trở thành một blogger du lịch. Anh mua một căn penthouse ở ngoại thành, dành 5 m2 làm hồ sen, 95 m2 làm hồ nuôi cá koi và sân vườn để trồng cây. Bên cạnh đó, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

"Theo tôi, không nên dùng từ 'nghỉ hưu sớm' vì sẽ gây hiểu lầm là bỏ tất cả không làm việc gì. Đó là sự chuyển đổi từ việc này sang việc khác, ở đó tôi có quyền lựa chọn thời gian, đam mê mà không phải xin phép hay áp lực từ cấp trên", Tùng nói.

Nhà tâm lý học người Mỹ Ken Dychtwald, chuyên gia với 17 đầu sách xoay quanh chủ đề nghỉ hưu, gần đây gây chú ý khi đưa ra khái niệm phần đời thứ ba (Life's third age) như một lãnh địa chưa được khai phá.

Theo ông, trước đây, chúng ta xem nghỉ hưu như một khoảng thời gian ngắn sau cả đời làm việc chăm chỉ và ai làm được điều đó càng sớm thì càng thành công. Nhưng khi tuổi thọ con người tăng lên và nhiều người tự do tài chính sớm, giai đoạn thứ ba của cuộc đời - nếu chỉ an nhàn - sẽ dẫn đến buồn chán và mất phương hướng. Ken Dychtwald cho rằng, giai đoạn này không nên tập trung hoàn toàn vào an dưỡng. Nhiều người có tuổi đang tiếp tục khám phá chính mình lẫn cuộc sống và không ít trong số họ thực sự làm việc thăng hoa ở độ tuổi nghỉ hưu.

Về phần mình, Hùng Tú thừa nhận đã trải qua một "cơn khủng hoảng về nhận diện bản thân" trong một năm nghỉ hưu. Anh cảm thấy vô vị, không hạnh phúc hơn so với khi còn đi làm. Anh không thích vui thú điền viên, du lịch, hoặc khám phá thú chơi khác. Thứ hấp dẫn anh suốt từ khi ra trường tới nay là công nghệ luôn luôn thay đổi. Dù cho anh có kinh nghiệm nhưng khi chuyển công ty khác hay làm dự án khác, vẫn luôn có nhiều điều để học hỏi. Và với kỹ sư IT, "những thử thách này là đam mê chứ không phải áp lực".

Vì lẽ đó, trong các cuộc phỏng vấn đi làm lại, anh cởi mở mình muốn được làm việc trong môi trường được đóng góp nhiều nhất. Nếu đang làm công việc này nhưng có dự án khác cần hỗ trợ, anh sẵn sàng. Giờ đây, với Tú, nghỉ hưu phải gắn liền với đam mê và có ích.

"Sau một lần nghỉ hưu hụt, tôi sẽ làm việc thêm 20 năm cho đến lúc Nhà nước cho nghỉ mới thôi", anh nói.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hối hận vì nghỉ hưu sớm