Lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trước năm 2021 có thể nghỉ hưu ở tuổi 60 với nam và 55 với nữ, sớm 2-5 năm so với quy định mà không bị trừ 2% mỗi năm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hồi cuối tháng 3 đã bổ sung quy định chuyển tiếp với lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trước ngày 1/1/2021 được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ. Nếu đề xuất được thông qua, lao động không bị trừ 2% như trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, đồng thời được về hưu sớm 2-5 năm so với người tham gia sau ngày 1/1/2021 và lao động đóng BHXH bắt buộc.
Chính sách áp dụng cho lao động gia nhập hệ thống khu vực tự nguyện trước thời điểm tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình. Bộ luật Lao động quy định từ năm 2021, tuổi hưu mỗi năm tăng thêm ba tháng với nam cho đến khi đạt 62 tuổi vào năm 2028 và 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Khi đề xuất chính sách, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lý giải luật hiện hành quy định người đóng BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ 20 năm tham gia hệ thống, đủ 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam. Các cơ quan, tỉnh, thành phố vận động người dân đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu trên cơ sở này. Trong khi đó, tuổi hưu đã tăng theo lộ trình. Đề xuất nhằm phù hợp định hướng và kế thừa cam kết của nhà nước, tránh ảnh hưởng niềm tin của người dân vào chính sách tự nguyện.
So với dự thảo trình Chính phủ hồi tháng 8/2023, bản mới nhất đã rút ngắn thời gian, thu hẹp diện hưởng khi áp dụng với người tham gia từ trước tháng 1/2021 thay vì trước khi luật có hiệu lực, ngày 1/7/2025.
Chính sách này không áp dụng với lao động khu vực bắt buộc. Như vậy, người tham gia BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện từ ngày 1/1/2021 trở đi muốn hưởng lương hưu vẫn theo quy định hiện hành là 20 năm đóng, sắp tới giảm xuống 15 năm và đủ tuổi về hưu theo lộ trình, 60-62 tuổi. Nghỉ hưu sớm trước tuổi, người lao động bị trừ 2% tỷ lệ hưởng mỗi năm.
Dự thảo cũng bổ sung quy định chủ hộ kinh doanh đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc trước ngày luật sửa đổi có hiệu lực, dự kiến 1/7/2025, nếu chưa được giải quyết hưu trí, tử tuất thì thời gian đóng này được ghi nhận để hưởng chế độ.
Điều khoản này nhằm xử lý dứt điểm quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh cá thể không nằm trong diện đóng vẫn bị thu BHXH bắt buộc sai luật từ năm 2003 đến 2021, theo phản ánh của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến tháng 5/2023, còn 3.567 chủ hộ kinh doanh đang chờ giải quyết quyền lợi, 37% trong số này đã đóng BHXH trên 15 năm.
Chính sách BHXH tự nguyện ra đời năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Sau 16 năm triển khai, cả nước có khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 3,9% lao động trong độ tuổi.
Chính sách gồm hai chế độ thụ hưởng là hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp hay tai nạn lao động như BHXH bắt buộc. Từ năm 2018, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách 10% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng chuẩn nghèo nông thôn, khuyến khích các tỉnh, thành phố trích thêm kinh phí từ ngân sách để bù đắp, hỗ trợ lao động.
Giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 54.000 người đóng BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới và có hiệu lực từ 1/7/2025.
TB (theo VnExpress)