Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã đưa ra các quan điểm đối lập về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục giữ liên lạc.
Cuộc hội đàm trực tuyến của Tổng thống Nga và Mỹ kết thúc rạng sáng 8.12 (giờ Việt Nam). Đúng như giới quan sát dự đoán, cả Washington và Matxcơva đều giữ vững lập trường, không lùi bước trong vấn đề Ukraine.
"Thật khó để mong đợi bất kỳ đột phá bất ngờ nào, nhưng các Tổng thống đã thể hiện sự sẵn sàng tiếp tục công việc thiết thực và bắt đầu thảo luận về các vấn đề nhạy cảm mà Matxcơva quan tâm nghiêm túc", cố vấn đối ngoại của ông Putin, ông Yuri Ushakov nêu quan điểm.
"Quân đội Nga đang ở trên lãnh thổ của mình. Họ không đe dọa ai cả", ông Ushakov nói về việc Nga tập trung quân dọc biên giới Ukraine và bị Kiev tố là hành động chuẩn bị xâm lược.
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã chỉ ra trong hội đàm những "hành động khiêu khích và đường lối phá hoại" của Ukraine nhằm phá bỏ các thỏa thuận chấm dứt chiến sự tại miền Đông Ukraine giáp Nga.
Tổng thống Biden sau đó cảnh báo Mỹ và đồng minh "sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế và các biện pháp mạnh mẽ khác", nếu Nga có thêm hành động leo thang căng thẳng và cho rằng Matxcơva đang đe dọa Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ kế đó kêu gọi giảm leo thang và quay trở lại ngoại giao.
"NATO mới thực sự đang thực hiện những nỗ lực nguy hiểm để xâm chiếm lãnh thổ Ukraine và đang củng cố năng lực quân sự ngay trước biên giới của Nga", Tổng thống Putin phản biện.
Theo Điện Kremlin, Nga thực sự quan tâm đến việc có được những bảo đảm ràng buộc, đáng tin cậy nhằm loại trừ NATO mở rộng về phía đông và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia tiếp giáp Nga.
Thông cáo của phía Nga cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hướng dẫn cấp dưới tham gia "các cuộc tham vấn thực chất về những vấn đề nhạy cảm này".
Cuộc hội đàm ngày 7.12 diễn ra trong bối cảnh phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Matxcơva sử dụng vũ lực với Kiev.
Quan hệ Nga - phương Tây và Nga - Ukraine đã trượt dốc từ năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine nổi dậy trong cùng năm.
"Hai giờ đồng hồ nói chuyện là bằng chứng cho tôi thấy cả hai đã có một cuộc trao đổi thực sự. Nhưng họ còn lâu mới đồng ý với nhau", chuyên gia Olga Oliker thuộc International Crisis Group nhận xét về cuộc hội đàm Biden - Putin.
Theo Tuổi trẻ