Trong phim kinh dị ở các nước phương Tây thường xuất hiện một hình ảnh có tính chất tưởng tượng là zombie (thây ma, xác sống).
Đó là những xác người không hồn, tồn tại vật vờ ở thế giới hiện tại, có thể làm hại người đang sống. Xem những bộ phim về zombie, ai cũng cảm thấy ghê rợn, sợ hãi.
Mới đây, hình ảnh zombie được đưa ra để ví von với những nhân viên đi làm nhưng không nhiệt tình với công việc, làm việc vật vờ, cầm chừng. Ngày 12.10.2017, tại một hội nghị về nguồn nhân lực Việt Nam, Công ty CP Anphabe đã công bố một kết quả khảo sát làm nhiều người bất ngờ. Kết quả khảo sát hơn 26.000 người đi làm cho thấy 39% cảm thấy không gắn bó với công việc. Với những người đi làm ở công sở, cứ 4 người thì có 1 người làm việc vật vờ (chiếm 25%). Một điều rất đáng lo ngại từ kết quả khảo sát là hội chứng “zombie công sở” có xu hướng tăng dần ở độ tuổi trẻ hơn.
7 biểu hiện của hội chứng “zombie công sở” được chỉ ra: luôn tỏ vẻ bận rộn nhưng toàn làm những việc ít quan trọng; lúc nào cũng “đúng” vì luôn có lý do để biện hộ, đổ lỗi cho kết quả chưa như ý; không chịu lắng nghe, học hỏi vì cho rằng mình đã biết, quá giỏi giang trong công việc; nói hay hơn làm, chọn công việc đại khái và thường đem lại kết quả không rõ ràng; luôn nói “có” với các yêu cầu từ sếp mà thực chất không hiểu, không quan tâm, không cần hỏi “tại sao, để làm gì”; không chia sẻ thông tin, cơ hội để giúp người khác thành công; ngoài mặt thì ủng hộ nhưng trong lòng thì kháng cự.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như thu nhập, môi trường làm việc, suy nghĩ và hành động tiêu cực, sức khỏe, bệnh tật, những thay đổi trong cuộc sống…
Trước đây, ai cũng biết ở mỗi cơ quan, đơn vị đều có những “zombie công sở” nhưng không nghĩ đến tỷ lệ cao như kết quả khảo sát đưa ra. Hậu quả của hội chứng “zombie công sở” rất dễ nhìn thấy. Đối với mỗi cá nhân, họ sẽ ít cơ hội thành công trong công việc. Đối với mỗi cơ quan, đơn vị thì năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc sẽ thấp khi có nhiều “zombie công sở” trong bộ máy. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Hội chứng “zombie công sở” là một yếu tố gây ra tình trạng đó.
Nước ta thoát khỏi nhóm các nước nghèo nhất thế giới chưa lâu. Hiện nay, Việt Nam là nước đang phát triển với thu nhập trung bình. Cuộc sống của nhiều gia đình còn gặp không ít khó khăn. Muốn mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị và đất nước phát triển nhanh, bền vững thì cần nhiều yếu tố nhưng trước hết là phải biết phát huy tinh thần cần cù, hăng hái lao động, sản xuất. Sự lười biếng, thiếu nhiệt tình, không yêu công việc sẽ làm cho các cơ hội phát triển mất đi, nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn. Do đó, hội chứng “zombie công sở” là một thứ bệnh dịch nguy hiểm, cần phải phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ.
Mỗi cá nhân cần xác định được động cơ, thái độ làm việc đúng đắn. Việc thể hiện lòng yêu nước không phải tìm ở đâu xa vời mà chính là ở tình yêu lao động, cần mẫn với công việc, nhiệm vụ của mình. Từng tập thể, đơn vị cần xây dựng môi trường làm việc mà ở đó mỗi người lao động cảm thấy gắn bó, cống hiến vì cái chung; những người xứng đáng sẽ được trân trọng, đãi ngộ tốt và ngược lại những “zombie công sở” sẽ phải tự thay đổi, vươn lên để phát triển.
NINH TUÂN