Học thật

13/06/2020 09:25

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần có động cơ, mục đích học tập đúng đắn, không nên sính bằng cấp, chứng chỉ mà xem nhẹ kiến thức, kỹ năng tiếp thu được để áp dụng vào công việc.

Ngày 1.7.2020, Luật Giáo dục (năm 2019) sẽ có hiệu lực thi hành, được nhiều người kỳ vọng như một cú hích góp phần đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo. Khoản 3 điều 4 của luật này nêu: "Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời". Còn theo khoản 2 điều 7, phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên. 

Tôi cho rằng chỉ cần thực hiện hiệu quả những nội dung trên sẽ tạo bước đột phá trong phát triển giáo dục, đào tạo. Các cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là những người tham gia hoạch định, triển khai, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần đi đầu về tinh thần tự học suốt đời, say mê học tập.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, định hướng nêu trên không dễ thực hiện. Cơ hội học tập hiện nay thế nào? Câu trả lời là rất nhiều. Các chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng, lớp học dành cho CBCCVC được tổ chức hằng năm không thiếu. Nếu ai có ý thức học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, lý luận chính trị có thể tìm đến nhiều cơ sở giáo dục thường xuyên. 

Vấn đề không ở số lượng mà ở chất lượng, hiệu quả của các chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng. Dễ thấy tình trạng lúc khai giảng, làm bài kiểm tra, thi cử thì CBCCVC đến đầy đủ. Song những ngày học bình thường lại vắng. Không ít lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn mà số người học nghiêm túc chỉ chiếm 20-30% so với số lượng đăng ký ban đầu. Trong số những người đến học, nhiều người không tập trung học, chủ yếu xem điện thoại, tán gẫu... Lớp học có hàng chục, hàng trăm học viên nhưng số người học thật, biết sử dụng kiến thức đã học để áp dụng cho công việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Nhiều CBCCVC khoe có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ, được đào tạo, bồi dưỡng liên tục, thường xuyên cho đến lúc... nghỉ hưu. Nhưng số lượng bằng cấp, chứng chỉ lại tỷ lệ nghịch với kiến thức, kỹ năng thu nhận được. Nhiều nhưng không chất. Học như vậy chỉ tốn kém kinh phí, thời gian của cơ quan, Nhà nước và của mỗi người. Lối học đó sẽ khiến đội ngũ CBCCVC ngày càng tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu.

Những người ngại học cho rằng phải vừa học vừa làm nên ít có thời gian học. Ngoài ra, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tế, giảng viên dạy không hay, chưa tâm huyết. 

Đó là những nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ quan từ phía mỗi CBCCVC là chủ yếu. Họ chưa xác định được động cơ, mục đích học đầy đủ, đúng đắn. Đa số cho rằng học để lấy bằng cấp, chứng chỉ nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn hiện tại và lên chức trong tương lai. Việc học tập, bồi dưỡng để được cấp bằng, chứng chỉ là cần thiết, song quan trọng hơn là học được cái gì để áp dụng vào công việc, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả công việc thì đang bị nhiều người xem nhẹ. Ít người có được tư tưởng học tập suốt đời, say mê học hỏi. 

Thế giới biến đổi ngày càng nhanh. Khoảng thời gian mà lượng kiến thức của nhân loại tăng gấp đôi ngày càng ngắn lại. Cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực của mỗi quốc gia phải học hỏi, sáng tạo nhiều hơn. Các CBCCVC nếu lười học sẽ bị lạc hậu, cản trở sự phát triển. 

Do đó, mỗi CBCCVC cần có động cơ, mục đích học tập đúng đắn, không nên sính bằng cấp, chứng chỉ mà xem nhẹ kiến thức, kỹ năng tiếp thu được để áp dụng vào công việc. Cần tạo dựng một tinh thần hiếu học mới là học để cải tiến, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập để hoàn thiện bản thân. Tinh thần hiếu học mới khác với tinh thần hiếu học cũ có từ thời phong kiến là học để làm quan - một tinh thần học thực dụng, dễ làm cho người ta ngại học, ngừng học khi đã đạt được mục đích. Cần coi đây là biện pháp cốt lõi để khắc phục yếu kém về chất lượng, hiệu quả của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua.

Cơ quan, đơn vị cử người đi học cần đề ra yêu cầu cụ thể về kiến thức, kỹ năng đối với người học.

Các tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chấn chỉnh chất lượng, hiệu quả đào tạo; kiên quyết không cấp bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận cho những người không đạt yêu cầu, không để diễn ra tình trạng "bán" bằng cấp, chứng chỉ, chạy điểm... Tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo theo hướng sát thực tiễn.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học thật