Đó là chia sẻ của một người mẹ về sự bất cập hiện hữu đến với chính con mình tại “Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2019: Những viễn cảnh giáo dục mới”.
Diễn đàn do Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng Câu lạc bộ Giáo dục mới phối hợp tổ chức ngày 17.8 với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các phụ huynh.
Đại biểu tham dự Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2019: Những viễn cảnh giáo dục mới sáng 17.8 |
Học toán "chậm tiến", học văn "thuộc lòng"
Tại đây, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về thực tiễn và băn khoăn với chương trình học hiện hành.
Bà Trần Thị Hiền Lương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng điều mà bà trăn trở và tâm đắc nhất là làm thế nào để phát huy sự sáng tạo của học sinh trong việc học môn Ngữ văn.
“Cái khổ của học sinh là cảm giác là cứ phải làm theo mẫu, phải thuộc tất cả các bài văn trong sách giáo khoa để đi thi. Học cứ như tra tấn bởi phải học thuộc lòng. Một thời gian dài, trong các kỳ thi tốt nghiệp, thậm chí là tất cả những kiểm tra ở trên lớp như kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết hay cuối kỳ đều yêu cầu học sinh phân tích, bình phẩm các tác phẩm đã được học trong nhà trường. Cũng vì thế, cách học môn Văn của rất nhiều học sinh chỉ là học thuộc như tụng kinh và ghi chép. Và phương pháp dạy học của các giáo viên là thuyết giảng và đọc chép”.
Theo bà Lương việc học làm hạn chế sự sáng tạo của học sinh chính là nguyên nhân gây nên sự chán nản trong học tập đối với các em.
“Việc thi cử, kiểm tra, đánh giá như thế nào sẽ quy định việc dạy học như thế. Mục tiêu của chúng ta lâu nay đề ra là đào tạo nên những con người năng động, tích cực sáng tạo nhưng không thực hiện được. Bởi nói thì hay nhưng thi cử không đổi mới thì vẫn dẫm chân tại chỗ”, bà Lương nói.
Bà Trần Thị Hiền Lương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) |
Bà Lương lấy dẫn chứng việc không ít giáo viên thường đưa ra những đoạn thơ của các tác giả nổi tiếng bị thiếu dấu và yêu cầu học sinh điền lại chính xác.
“Mục đích để đánh giá khả năng hiểu của học sinh nhưng điều này khiến học sinh không được thoải mái và gò bó bởi phải học thuộc, băn khoăn liệu không biết chỗ này đoạn kia, tác giả dùng dấu/dấu câu gì”. Thay vào đó, theo bà Lương, giáo viên hoàn toàn có thể thoát khỏi việc bám các bài thơ của các tác giả bằng một đoạn văn bất kỳ và học sinh chỉ cần chú ý ở ngữ nghĩa.
Hoặc có người thì động cơ tốt là muốn học sinh sáng tạo, không máy móc nhưng lại ra đề mà học sinh sẽ không thể sáng tạo gì được ngoài nói dối.
“Em ra công viên chơi, em gặp một người cựu chiến binh trong kháng chiến chống Pháp. Hãy đóng vai người đồng đội cũ để trò chuyện về chiến trường năm xưa. Một học sinh lớp 6 chưa đủ “già” và cũng không thể có trải nghiệm đó để làm bài tốt được”, bà Lương dẫn chứng.
Phụ huynh Nguyễn Thị Diễm Hà |
Chị Nguyễn Thị Diễm Hà, một phụ huynh đến từ Hải Dương bày tỏ băn khoăn và tò mò về tính ưu việt của chương trình mới so với chương trình hiện hành.
Bởi chị chia sẻ con mình từng học tiểu học và trung học ở Anh. Ở bên đó, con được đánh giá là “siêu” về toán học của trường, thậm chí năm lớp 6 còn vào trong đội tuyển học sinh giỏi toán. Nhưng khi trở về Việt Nam, chị cho con học trường công, thì ngay trong năm học lớp 7 thì thầy cô không dám lấy điểm vì điểm của con quá tệ.
“Đến nỗi, cô giáo nói với tôi nếu như không cho con học lại từ lớp 6 thì khả năng bị đúp là rất cao. Tôi không hiểu tại sao lại lệch nhau như thế”, chị Hà kể và mong đợi sự khác biệt có thể đến từ chương trình phổ thông mới.
Chị cũng thử mời một thầy giáo dạy kèm con riêng thì sau một vài buổi thầy cũng lắc đầu nói con không làm được bài tập.
Về điều này, PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, thành viên Ban phát triển Chương trình môn toán mới cho hay hệ thống giáo dục của các nước có những chuẩn khác nhau nên có nhiều học sinh khi học ở nước ngoài về Việt Nam thì bị lệch pha. Do đó để đáp ứng được chương trình mới thì học sinh cũng cần phải được bổ sung kiến thức bằng cách này hoặc cách khác để bắt nhịp.
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, thành viên Ban phát triển Chương trình môn toán mới |
Cần cải tiến kiểm tra, đánh giá
Tuy nhiên, nói về chương trình môn toán mới, ông Đạt khẳng định từ tháng 1.2017 cho đến khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ký quyết định ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới thì ông cũng như các thành viên khác của Ban phát triển chương trình "học rất nhiều ở nước ngoài".
“Khác hẳn với thời chúng tôi làm chương trình sách giáo khoa (SGK) năm 2000. Chương trình SGK năm 2000, tôi đi 12 sứ quán chỉ lấy được 1 bộ của Singapore để học hỏi nhưng hiện nay trong tay chúng tôi không dưới 50 bản chương trình SGK từ các nước. Nhưng Việt Nam là Việt Nam, chưa bao giờ là chương trình Cambridge, chương trình của NewZealand hay Singapore…”, ông Đạt cho hay.
Ông Đạt cho rằng cần cải tiến trong khâu đánh giá học sinh. Bởi nếu không thì những thứ đổi mới hiện nay đều trở nên vô nghĩa.
ThS Lê Mai Hương, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm cho rằng để vận hành chương trình phổ thông mới và đánh giá được học sinh hiệu quả thì cần chú trọng nhất việc đào tạo giáo viên.
“Chúng ta nói học sinh là trung tâm. Tuy nhiên, ở thời điểm này giáo viên là những người cần quan tâm trước. Bởi khi giáo viên không hiểu rõ về chương trình và không tạo ra được cơ hội để họ phát huy khả năng thì họ sẽ không giúp được học sinh. Các giáo viên của trường chúng tôi sau khi được đi tập huấn, được nhà trường tiếp tục mời thêm chuyên gia về tập huấn 2 ngày nữa cho từng môn học. Nhưng đến bây giờ các giáo viên cho rằng vẫn thiếu và xin trong suốt năm học này được có thêm các lớp do các chuyên gia hỗ trợ thêm”, bà Hương nói.
PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới |
PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ:
Băn khoăn nhiều nhất của các thầy cô là đổi mới phương pháp dạy học như thế nào trong điều kiện sĩ số học sinh đông và thói quen của giáo viên xưa nay. Chúng tôi cũng quan niệm kiểm tra, đánh giá cũng giống như bánh lái của một con tàu. Do đó sắp tới nếu như chúng ta không đổi mới trong kiểm tra, đánh giá thì ý tưởng đổi mới chương trình, SGK không có ý nghĩa nhiều.
Sắp tới chắc rằng kỳ thi THPT quốc gia- được coi là chốt chặn cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông phải đổi mới. Nếu như chốt chặn cuối cùng này không đổi mới thì việc dạy học trong các nhà trường chắc cũng chẳng có thay đổi gì”.
Ông Hùng cho hay, lộ trình đến tháng 9 năm 2020 thì toàn quốc sẽ đưa SGK lớp 1 mới vào các nhà trường theo hình thức cuốn chiếu vào các lớp cao hơn. Hiện nay, Bộ GDĐT đang trong quá trình hoàn tất thẩm định SGK lớp 1 và đến ngày 30/9 tới đây sẽ kết thúc thời gian thẩm định này.
Ông Hùng cũng đưa ra dự đoán, SGK mới sắp tới sẽ có giá cao hơn SGK hiện hành.
Theo Vietnamnet