Học chế tạo pháo trên mạng - Coi chừng "mất Tết như chơi"

26/12/2022 11:03

Cứ vào thời điểm gần Tết, các vụ việc, tai nạn liên quan tới pháo tự chế lại tiếp tục gia tăng, để lại nhiều hậu quả khôn lường về tính mạng và sức khỏe.

Điều đáng nói, người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình và xã hội.

Vào mạng là có đủ các clip hướng dẫn "tự làm pháo nổ"

Thực tế, chỉ cần gõ cụm từ "cách làm pháo tự chế", trong khoảng vài giây đã cho ra hơn 5 triệu kết quả với hàng loạt clip dạy cách làm pháo từ pháo hoa không nổ, pháo hoa nổ tới pháo diêm tự chế, pháo cối tự chế một cách đơn giản mà ai cũng làm được.

Điều đặc biệt, các video, clip được chia sẻ một cách công khai, không gắn nhãn giới hạn độ tuổi xem cũng như cảnh báo nguy hiểm, với hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận, cổ vũ và hỏi về cách làm pháo.

Các thông tin này ngày càng thu hút nhiều người theo dõi, đặc biệt là đối tượng học sinh thường tìm hiểu, sau đó các em đặt mua các loại hóa chất như lưu huỳnh, kaliclorat… về pha trộn thành thuốc pháo. Sau khi đã có thuốc, các em học sinh sử dụng giấy vở hoặc giấy báo cuộn thành vỏ pháo hoặc dùng ống nhựa PVC và keo dán để chế tạo, sản xuất pháo ngay tại nhà.

Để thu hút lượt truy cập, nhiều kênh còn "cạnh tranh" nhau bằng những thủ thuật tạo sự đặc biệt cho pháo như cách trộn nguyên liệu theo tỉ lệ riêng để kiểm soát thời gian pháo nổ, tạo hiệu ứng âm thanh khi nổ, hay tiếng "gầm rú"… càng khiến nhiều học sinh tò mò làm theo mà không ý thức hết được sự nguy hiểm từ chất gây nổ.

Các video cách làm pháo tự chế dễ dàng tìm kiếm trên mạng

Đã có không ít tai nạn nổ pháo gây ra hậu quả đau lòng. Chẳng hạn như mới đây, Công an huyện Krông Ana (Đăk Lăk) đang điều tra nguyên nhân vụ việc 4 học sinh tự làm pháo nổ, 1 em tử vong xảy ra trên địa bàn. Thông tin ban đầu được xác nhận, 4 trẻ gồm N.M.T. (12 tuổi); N.Đ.B. (12 tuổi); N.Đ.B.A. (9 tuổi); B.G.T. (11 tuổi) trú cùng khu vực trên, đang bị thương nặng. Trong đó cháu B. và A. là 2 anh em ruột. Em B.G.T tử vong tại hiện trường, 3 em bị thương đi cấp cứu. Theo chia sẻ của người dân: "Các cháu tự mua thuốc trên mạng về xem youtube tự chế pháo... đang nhồi thuốc vào thì ép quá nên nổ tại chỗ... Thuốc thì trộn nhiều thứ chưa hoàn thiện pháo thì đã nổ như mìn luôn''.

Gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ

Cảnh báo về các chấn thương do pháo gây ra, BS. Nguyễn Thái Ngọc Minh - Khoa Hồi sức, BV Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo. Nếu pháo có khói gây cháy có thể dẫn đến tổn thương bỏng, ngộ độc khói, bỏng hô hấp. Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân...

Hầu hết người chế tạo pháo do tiếp xúc gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vết bỏng nặng còn gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương... Ngoài ra, sau khi xuất viện, người bệnh còn phải tiếp tục đối mặt với di chứng về cả tinh thần nặng nề.

Theo BS. Minh, pháo tự chế còn có nguy hại đến hệ hô hấp do chứa nhiều bụi kim loại và nguy cơ nhiễm khói hóa chất. Thông thường, thời gian phơi nhiễm khói hóa chất dưới ba phút sẽ ảnh hưởng nhẹ đến cơ thể. Trên ba phút, hệ hô hấp bắt đầu bị ảnh hưởng, đặc biệt với người có tiền sử bệnh hô hấp, hen suyễn. Bụi khói của pháo còn ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, làm chảy nước mắt hoặc loét giác mạc, gây hại lên mô cơ.

Còn theo BS. Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho biết, tai nạn pháo còn gây những tổn thương nghiêm trọng cho mắt. Sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, chảy máu trong, sa lệch thể thủy tinh, rách võng mạc… Đặc biệt, dị vật chui vào trong mắt sẽ gây hủy hoại các mô mắt, là nguồn nhiễm trùng và viêm nhiễm dai dẳng, đau đớn kéo dài đến vài năm cho nạn nhân.

Để hạn chế tai nạn đáng tiếc, các bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ. Người dân cần tuân thủ chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ tại nhà gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Tự chế pháo nổ đốt dịp Tết có thể bị phạt tù

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Hai hành vi vi phạm này đều sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Người vi phạm còn có thể bị truy tố về các tội khác như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là 15 năm hoặc Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 Bộ luật hình sự) với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm, cao nhất là tù chung thân nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học chế tạo pháo trên mạng - Coi chừng "mất Tết như chơi"