Trẻ con cũng là thành viên trong gia đình nên bố mẹ đừng xem con là gánh nặng để trút mọi bực tức lên đầu con. Là người lớn hãy học cách tôn trọng con trẻ!
Ngày 26.11 vừa qua, một vụ việc đau lòng xảy ra tại khu chung cư Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bé gái tên H., 11 tuổi bị ngã từ tầng 39 xuống đất mất mạng. Càng xót xa hơn khi cộng đồng mạng chia sẻ bức thư nghi của cháu H. để lại trước khi bị ngã. Toàn bộ nội dung bức thư với nét bút vẫn còn ngây ngô của cô bé 11 tuổi nêu lại nguyên nhân mình kết thúc cuộc sống.
Theo nội dung lá thư được chia sẻ, H. tự tìm đến cái chết khi cuộc sống quá nặng nề, em phải thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, bố ít quan tâm đến cuộc sống của 3 mẹ con. Bố mẹ em sẽ chọn cách ly hôn để chấm dứt cuộc hôn nhân nặng nề này. Chắc có lẽ vì quá sốc trước quyết định của bố mẹ nên cô bé đã tự kết liễu đời mình.
Chưa hết, ngày 30.11, cộng đồng mạng lại tiếp tục xôn xao với bức thư tuyệt mệnh của em N.T.H.T., 16 tuổi ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cô bé T. cũng tự tìm đến cái chết bằng nhảy cầu. Nội dung bức thư chia sẻ về việc em thường xuyên phải nhận những lời chỉ trích nặng nề từ mẹ, em luôn cảm thấy mình là người thừa khi không ai cần tới mình, là gánh nặng của bố mẹ...
Ai đã đọc những bức thư trên đều cảm thấy xót xa. Các em vừa đáng thương lại đáng trách. Bố mẹ của những em gái này sẽ luôn sống trong day dứt vì rơi vào cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Ngay khi những bức thư này xuất hiện trên mạng xã hội, nó đã trở thành lời cảnh tỉnh cho nhiều bậc cha mẹ. Chúng ta luôn cho rằng gia đình là nơi an toàn nhất đối với con trẻ nhưng có lẽ trong những trường hợp này đó lại không còn là chốn yên bình. Khi xem những bức thư hẳn không ít bậc phụ huynh giật mình khi thấy có mình trong đó. Có ai dám khẳng định mình chưa một lần to tiếng với vợ hoặc chồng trước mặt con cái, hay chưa một lần vì những ức chế của bản thân mà thốt ra những lời nói thậm tệ với những đứa con của mình?
Chúng ta vẫn thường nói rằng trong xã hội hiện đại, bố mẹ ly hôn không phải là chuyện hiếm và trẻ con mặc định phải chấp nhận chuyện đó mà không được phép có tiếng nói hoặc chia sẻ cảm xúc. Nhiều người cho rằng trẻ con chỉ cần cho ăn no, mặc ấm là được, chúng còn bé biết gì chuyện người lớn. Những đứa trẻ rất nhạy cảm, chúng có thể cảm nhận được không khí của gia đình thông qua cử chỉ, thái độ của cha mẹ. Trẻ rất nhạy cảm với xung đột của bố mẹ. Điều này dễ dẫn tới những tâm lý tiêu cực. Khi lớn lên trong gia đình có đầy đủ tình yêu thương của bố mẹ, được tôn trọng trẻ sẽ có điều kiện để phát triển cả trí tuệ lẫn cảm xúc.
Ngôi nhà là nơi bình yên nhất của mỗi thành viên trong gia đình. Là cha mẹ hãy cho con môi trường an toàn từ trong chính ngôi nhà của mình. Nếu bố mẹ không thể cùng chung sống thì hãy thẳng thắn trao đổi với con, phân tích cho con hiểu để con có tâm lý vững vàng trước những biến cố của gia đình. Vì trẻ con cũng là thành viên trong gia đình nên bố mẹ đừng xem con là gánh nặng để trút mọi bực tức lên đầu con. Là người lớn hãy học cách tôn trọng con trẻ!
TÂM PHÚC (TP Hải Dương)