Ngoài tâm lý chủ quan, sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cũng khiến chủ các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng phớt lờ lệnh cấm.
Nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở Tứ Kỳ hoạt động nhộn nhịp bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh
Mặc dù UBND tỉnh đã yêu cầu dừng mọi hoạt động từ ngày 15.5 nhưng nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng vẫn nhộn nhịp như chưa hề có lệnh cấm.
Phớt lờ lệnh cấm
Bãi chứa vật liệu xây dựng (VLXD) dưới chân cầu Hàn thuộc phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng vẫn đầy ắp cát, sỏi, máy móc, nhà xưởng. Khu bãi rộng hàng chục nghìn m2 chứa cát cao vài mét nằm cách mép sông chưa đến chục mét. Xe chở cát, bê tông tươi ra vào tấp nập. Cách đó vài trăm mét là trạm trộn bê tông tươi và xưởng sản xuất gạch không nung của doanh nghiệp này cũng hoạt động nhộn nhịp ngày đêm. Xe ô tô chở bê tông, cát, sỏi chạy rầm rập cắt ngang thân đê, xuyên qua khu dân cư ra quốc lộ 5. Trên địa bàn TP Hải Dương, bãi sông của các doanh nghiệp tư nhân: Xây dựng và vận tải Trung Hiếu, Thắng Hoa, Toàn Thắng, các Công ty TNHH: An Thắng, Măng Thuận... cũng chất đầy cát đen, cát vàng, sỏi, máy móc. Xe chở vật liệu tấp nập ra vào.
Trên tuyến đê hữu sông Thái Bình đoạn từ xã Ngọc Sơn đến xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) có gần hai chục bến bãi kinh doanh VLXD. Mặc dù chủ các bến bãi đã ký cam kết, UBND huyện Tứ Kỳ đã nhiều lần lập biên bản xử phạt nhưng cường độ hoạt động không hề suy giảm. Trên các bến bãi ở các xã Ngọc Sơn, Kỳ Sơn, Đại Đồng, Bình Lãng, Đông Kỳ, Tây Kỳ, Tứ Xuyên, VLXD vẫn chất đống bên mép sông. Xe chở đất đồi, cát vàng, cát san lấp, gạch xây dựng chạy liên tục.
Thời điểm này, khu vực cảng Tiên Kiều trên địa bàn xã Đức Chính (Cẩm Giàng) lúc nào cũng nhộn nhịp. Đoạn đê vài trăm mét đã bị xe tải hạng nặng chở cát từ cảng thủy nội địa của Công ty Xây dựng Minh Thanh quần thảo suốt ngày đêm. Mặt đê bị băm nát, lồi lõm, nham nhở. Một lớp cát dầy bám trên mặt đường thỉnh thoảng lại bị bánh xe cuốn tung lên bay thẳng vào nhà dân gần đó. Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, vài chục lượt xe tải đã chạy đi chạy lại trên đoạn đê này. Bụi cát, tiếng động cơ ô tô hạng nặng hằng ngày, hằng giờ tra tấn người dân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm bến bãi kinh doanh VLXD dọc các tuyến sông lớn của hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vẫn hoạt động. Các văn bản yêu cầu dừng hoạt động được gửi tận tay chủ bến bãi, nhiều cam kết đã được ký. Một số cuộc kiểm tra của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã được thực hiện. Thậm chí, nhiều chủ bến bãi kinh doanh VLXD đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng trên thực tế, nhiều nơi vẫn hoạt động như chưa hề có lệnh cấm của UBND tỉnh.
Vẫn còn tâm lý chủ quan
Bến vật liệu xây dựng Phú Việt ở xã Văn Đức (Chí Linh) đầy cát
Theo yêu cầu của tỉnh, các tổ chức, cá nhân có hoạt động bến bãi chứa, kinh doanh VLXD và các hoạt động khác ngoài bãi sông có liên quan đến đê điều, thoát lũ sông phải dừng hoạt động, di chuyển hết máy móc, trang thiết bị, giải tỏa toàn bộ vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, tháo dỡ các nhà tạm hoặc các tấm bưng nhà tạm, thanh thải tất cả các vật cản lũ trên bãi sông xong trước ngày 15.5. Vậy tại sao các bến bãi vẫn hoạt động tấp nập?
Chủ quan là tâm lý chung của chủ các bến bãi kinh doanh VLXD. Ông Nguyễn Quang Dong, chủ bến bãi kinh doanh VLXD trên địa bàn xã Thanh Hải (Thanh Hà) thừa nhận việc hoạt động trong mùa mưa bão là chưa đúng với chủ trương của UBND tỉnh. Mặc dù vậy, ông Dong cho rằng nhiều năm nay sông không có lũ lớn nên giải tỏa vật liệu, dừng hoạt động của bãi sông là không cần thiết. Ngoài ra, bến bãi dừng hoạt động cũng ảnh hưởng tới nhu cầu VLXD của người dân.
Cùng quan điểm này, anh Vũ Đức Duy, Giám đốc Công ty TNHH DNT ở huyện Tứ Kỳ cho rằng nhiều năm nay sông không có lũ lớn nên không cần giải tỏa triệt để. “Chủ các bến bãi chỉ cần không tập kết thêm vật liệu, san gạt hạ thấp độ cao, thu gọn diện tích bảo đảm khoảng cách với mép sông là được”.
Ngoài tâm lý chủ quan, sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cũng khiến chủ các bến bãi kinh doanh VLXD phớt lờ lệnh cấm. Tuyên truyền hời hợt, kiểm tra, xử phạt theo kiểu lấy lệ đã dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Hình thức, mức độ xử phạt chưa có tính răn đe cao. Nhiều bến bãi bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Đặc biệt, chính quyền một số địa phương buông lỏng quản lý đất ven sông dẫn tới việc người dân sử dụng đất bãi sai mục đích.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 219 bến bãi kinh doanh VLXD nhưng chỉ có 66 bến bãi được UBND tỉnh, cấp huyện cấp phép. Nhiều bến bãi trong số đó đã hết hạn hoạt động. Như vậy, hàng trăm bến bãi nằm ngoài quy hoạch, không được chính quyền địa phương cấp phép hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tồn tại nhiều năm chứng tỏ sự yếu kém trong quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn.
VỊ THỦY