Hoang mang vì tin giả trên mạng xã hội

21/05/2018 10:10

Không có bằng chứng cụ thể, xác thực, không ít tin giả trên mạng xã hội (MXH) đã làm nhiều người hoang mang.


Mọi người không nên chia sẻ những thông tin nhạy cảm, chưa được kiểm chứng

Tung tin thất thiệt

Trên MXH facebook hiện nay có rất nhiều tin thất thiệt được đưa lên với nhiều mục đích. Phổ biến nhất là tin bắt cóc trẻ em. 

Mới đây nhất, ngày 17.5 fanpage Tin tức, sự kiện và bình luận đã đăng 1 video clip với lời giới thiệu "Ma nữ bắt cóc trẻ em ở Vĩnh Phúc: Đã xin rồi còn không tha". Video clip được quay bằng điện thoại về quá trình phát hiện một phụ nữ có hành vi được cho là bắt cóc trẻ em. Video clip không rõ ràng, không có bằng chứng thuyết phục nhưng vẫn thu hút 1,1 triệu lượt xem. Thông tin này sai nhưng đã được nhiều fanpage chia sẻ với mục đích câu view, câu like hòng trục lợi. 

Tại Hải Dương cũng có nhiều tin bắt cóc trẻ em đã được đưa lên MXH với nhiều địa điểm như ở huyện Gia Lộc, TP Hải Dương hay gần đây nhất là xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng). Dù các cơ quan chức năng trong tỉnh đã khẳng định thời gian gần đây trên địa bàn không ghi nhận vụ bắt cóc nào nhưng nhiều người dân vẫn lo lắng. 

Chị Hoàng Thị Hương, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi thấy trên MXH facebook lan truyền nhiều thông tin về bắt cóc trẻ em. Dù không biết thực hư thế nào nhưng những tin đồn như bắt cóc để bán sang Trung Quốc, mổ lấy nội tạng... làm tôi rất lo lắng".

Bên cạnh tin giả về bắt cóc trẻ em, một loại tin giả khác rất câu view là tin về an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây là tin về xoài giả có ruột nilon nhập từ Trung Quốc. Trước đó tin gạo làm bằng nhựa, trứng gà giả, rau giả... Trong khi nhiều người dân đang hoang mang vì kết quả nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, dược phẩm... đều cho kết quả không an toàn thì những tin thất thiệt này tiếp tục được chia sẻ rộng rãi càng làm cho nỗi sợ hãi bị đẩy lên.

Dù cơ quan chức năng khẳng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt tuy nhiên nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hoài, ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho biết: "Trước khi các cơ quan chức năng đưa ra kết luận chính thức, tôi không dám mua xoài ở chợ. Nhiều năm nay gia đình tôi thường xuyên về quê lấy thực phẩm sạch lên ăn cho an toàn". 

Người trong cuộc bức xúc

Những thông tin thất thiệt được đưa lên MXH gây ảnh hưởng không nhỏ đến người trong cuộc. Ngày 6.2, một tài khoản cá nhân trên MXH facebook đã chia sẻ hình ảnh, clip, thông tin về địa chỉ cụ bà Nguyễn Thị Đỡ, 87 tuổi, ở đội 1, thôn Bắc, xã Cổ Dũng (Kim Thành) có hoàn cảnh khó khăn và kêu gọi giúp đỡ cho cụ. Theo thông tin được chủ nhân tài khoản này chia sẻ thì "cụ phải sống lay lắt, cô đơn trong ngôi nhà cũ kỹ, không có người thân bên cạnh chăm sóc, phải tự mưu sinh”. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Mậu, Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng cho biết hiện bà Đỡ sống cạnh gia đình em trai, được gia đình em trai bà chăm sóc chu đáo. Thông tin bà phải tự mưu sinh, sống cô đơn là sai, làm gia đình em trai bà rất bức xúc. 

Năm 2017, thông tin giả tóm được đối tượng bắt cóc tại phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) bị lan truyền trên MXH cũng khiến Công an phường Thạch Khôi phải tiếp, giải thích cho hàng chục người kéo đến trụ sở đòi đánh tên bắt cóc.

Những người đưa thông tin thất thiệt lên MXH cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Ngày 27.4 vừa qua, chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đã bị phạt hành chính vì việc đưa thông tin bắt cóc trẻ em không chính xác trên trang facebook cá nhân. Tuy nhiên, số người đưa tin giả bị xử lý như trên chưa nhiều.

MXH đã trở thành một công cụ thông tin phổ biến trong cuộc sống. Dù vậy, đối mặt với "cơn bão" thông tin trên MXH, mỗi người cần thận trọng trước những thông tin đó. Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi like hay chia sẻ các thông tin trên MXH, không phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang cho xã hội. 

BÌNH AN

Cách phát hiện tin giả

Dưới đây là 10 mẹo giúp bạn phát hiện tin tức giả mạo, do chính Facebook công bố.

1. Hãy nghi vấn dòng tít. Các tin tức "nhảm" thường tìm các câu chữ giật gân, gây tò mò với các trình bày gây chú ý như sử dụng nhiều chữ viết hoa, dùng dấu chấm than để thu hút người dùng Facebook click.

2. Kiểm tra thật kỹ lưỡng đường dẫn. Đây có vẻ không phải một chiêu lừa mới mẻ, nhưng vẫn dễ dàng thu hút những công chúng "dễ tính" click. Một tên miền có độ bảo đảm cao, nhưng dùng đuôi khác (ví dụ thay vì vietnammoi.vn, trang tin tức giả mạo có thể là vietnammoi.com) là dấu hiệu rất dễ để nhận ra tin tức giả.

3. Nguồn tin ở đâu? Bất cứ câu chuyện nào lưu hành trên internet cũng chỉ là sản phẩm của bàn phím, và không nhất thiết giống hệt sự kiện thật sự diễn ra. Hãy kiểm tra nguồn thông tin được đề cập tới trong bài viết để bảo đảm những gì bạn đọc là sự thật.

4. Những lỗi ngớ ngẩn. Các trang tin giả mạo có thể sở hữu tên miền và giao diện giống hệt trang tin tức "chuẩn", nhưng sẽ dễ dàng có những lỗi ngớ ngẩn như sai chính tả, trình bày không vuông vắn hay lỗi hiển thị.

5. Kiểm tra hình ảnh. Một trang tin tức giả mạo với dụng ý bóp méo sự thật sẽ dễ dàng đăng tải những hình ảnh bị cắt cúp hay chỉnh sửa bừa bãi. Trang web kiểm tra hình ảnh của Google: images.google.com là địa chỉ đáng tin cậy để bạn kiểm tra hình ảnh gốc thực sự là gì.

6. Ngày tháng của tin tức. Với mục đích bóp méo sự thật, các tin tức giả mạo thường không có ngày tháng đăng tải hoặc có một logic về mặt thời gian bất thường.

7. Các dẫn chứng cho nhận định. Bất cứ nhận định nào xuất hiện trong bài cũng cần có những dẫn chứng/nguồn dẫn cụ thể. Đây là điểm mà các trang tin giả mạo dễ dàng bị phát giác.

8. Tìm những bài viết có nội dung tương tự. Đừng vội tin bất cứ một luồng thông tin nào đó. Google sẽ lại tiếp tục giúp bạn tìm kiếm các bài viết có nội dung tương tự để đối chiếu và so sánh tính xác thực.

9. Cẩn thận những trò đùa/lời châm biếm. Đôi khi, những câu chuyện bịa đặt và những trò đùa, câu chuyện chế trên internet, khó có một giới hạn rõ ràng. Những trang web có "truyền thống đùa dai" như 9gag.com cũng có thể là nguồn để những trang tin giả mạo tạo ra những tin tức rác.

10. Những lý luận "nghe có vẻ có lý". Đôi khi, "trình độ" của người làm tin tức giả không chỉ dừng lại ở việc dựng chuyện. Họ hoàn toàn có thể tạo ra những câu chuyện thuyết phục, lý luận sắc bén, nhưng để truyền đạt một ý tưởng không đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoang mang vì tin giả trên mạng xã hội