Cứ hết hạ, trời đất chuyển thu là nhà nhà lại háo hức mong chờ Tết Trung thu. Trải qua năm tháng, cách đón Tết Trung thu đã có nhiều thay đổi, những háo hức, mong chờ phai nhạt đi ít nhiều.
Nhiều nơi tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu nhi với mâm cỗ đủ đầy
Háo hức, mong chờ
Cận kề những ngày Tết Trung thu, chúng tôi có dịp tới thăm nhà giáo Nguyễn Xuân Vàng ở thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) để nghe ông kể những câu chuyện về Trung thu xưa. Đã ngoài 70 tuổi nhưng khi kể lại những lần trông trăng, phá cỗ ngày rằm tháng tám, đôi mắt ông Vàng lại ánh lên niềm hạnh phúc. Ông nhớ những năm miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ở nông thôn năm nào trẻ con cũng được vui Tết Trung thu. Người ta dành cả tháng trời để chuẩn bị đón Tết Trung thu, các em nhỏ luyện múa lân, tập hát múa, người lớn tự tay làm đèn ông sao, đèn cá chép cho con, có nhà còn làm cả đèn kéo quân, trống ếch. Đến ngày rằm tháng tám, thôn sẽ chọn một nơi có sân gạch rộng để tổ chức trông trăng đón Tết cho thiếu nhi trong làng. Quà Trung thu thường là tấm mía, bánh đa, quả chuối… sau này có thêm bánh kẹo. Các gia đình ủng hộ bằng tiền hoặc vật phẩm tùy hoàn cảnh để làm quà Trung thu cho trẻ trong thôn. “Tối Trung thu, bọn trẻ chúng tôi khi ấy háo hức lắm. Đến giờ, chúng tôi cùng tụ họp rồi tự rước đèn, gõ trống ếch, mang theo cờ đuôi nheo đi về sân kho hợp tác để đón Trung thu”, ông Vàng nhớ lại. Khắp cả làng tiếng trống, tiếng cười đùa của trẻ con, người lớn khiến cho làng quê nghèo rộn rã hẳn lên. Đêm Trung thu, cán bộ thôn sẽ tuyên dương những cháu làm nhiều việc tốt, động viên các cháu học giỏi chăm ngoan. Cả làng cùng tập trung vừa phá cỗ vừa xem múa lân, văn nghệ… Sau khi phá cỗ tại sân kho, các nhà lại kéo nhau về vui Trung thu ở sân nhà. Đoàn múa lân đi vào các nhà còn đèn sáng và đông người để biểu diễn, được gia đình cho tiền lộc…
Trong ký ức của ông Vũ Diệp (82 tuổi) ở khu 1, thị trấn Cẩm Giàng, rằm tháng tám ở thị trấn nhỏ này cũng là ngày hội lớn chỉ sau Tết Nguyên đán. Nhớ dịp Trung thu những năm 50 của thế kỷ trước, cứ ngày 14 tháng 8 âm lịch, ông Diệp lại theo chúng bạn ra địa điểm công cộng để cùng tham gia trò chơi dân gian. Các trò chơi như đập niêu, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ… luôn thu hút đông đảo trẻ con, người lớn tới xem. Tết Trung thu nhà nào cũng có đèn lồng, nhà khá giả thì có đèn kéo quân rất to. Mâm cỗ Trung thu khi ấy cũng chỉ có vài thứ quả theo mùa như bưởi, na, hồng, chuối… nhưng đứa trẻ nào cũng háo hức. Tối 14 tháng 8 âm lịch, các đội múa lân rồng sẽ đi khắp thị trấn múa để mong được nhận tiền lộc của các gia đình. Nhà nào khá giả thường dựng cây sào cao và treo tiền thưởng lên cây, các đội múa lân rồng nào phải rất khéo léo mới nhận được tiền thưởng. Chợ thị trấn dịp Trung thu cũng bày bán nhiều đồ chơi như mặt nạ, tò he và những thứ bánh trái khác. “Trung thu ngày xưa rất vui, người lớn, trẻ con háo hức mong chờ cả tháng trời, cùng nhau chuẩn bị đón trăng, rước đèn phá cỗ”, ông Diệp kể.
Trung thu nay có phai nhạt?
Thay vì tự làm như xưa, Trung thu nay trẻ em được bố mẹ đưa đi sắm cho nhiều đồ chơi bắt mắt
Từ sau đổi mới, đời sống của người dân được nâng cao nên Trung thu cũng mang màu sắc khác. Mỗi lần nhắc tới Trung thu là thế hệ 8X, 9X lại nhớ tới chiếc đèn ông sao, đèn cá chép, kéo quân, nhất là những chiếc đèn lồng tự làm bằng vỏ lon bia, nước ngọt hoặc bằng vỏ hộp bột giặt... Ai sang hơn sẽ được bố mẹ mua cho những chiếc đèn lồng bằng nhựa rất đẹp. Cách Trung thu vài tuần, bọn trẻ đã thu gom hạt bưởi, ngồi bóc, tách, phơi khô rồi xâu lại từng chuỗi để đốt đêm Trung thu. Mâm cỗ Trung thu cũng đủ loại quả nào là bưởi, hồng, dứa, na, cam… được bày biện rất đẹp. Nhiều nhà cầu kỳ còn làm cả những con chó bông bằng bưởi hay trang trí mâm ngũ quả bắt mắt. “Trung thu khi xưa của thế hệ 8X, 9X cũng là những lần rước đèn chờ trăng lên phá cỗ. Là theo chân các đội múa lân, rồng đi khắp ngõ phố xem biểu diễn, rồi hò reo thích thú…”, anh Phạm Văn Nam, 35 tuổi ở phố Chu Văn An (TP Hải Dương) nhớ lại.
Cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn nhưng mọi người cũng bận rộn hơn nên dường như Trung thu nay không còn được mong chờ như trước. “Mặc dù trong những ngày sát Trung thu, khắp nơi tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, "Đêm hội trăng rằm" cho thiếu nhi với mâm cỗ đủ đầy nhưng không khí Trung thu không còn rộn ràng, người lớn và trẻ con không hào hứng, thích thú với Trung thu”, ông Diệp bày tỏ. Trung thu nay có nhiều hàng quán bán đồ chơi bắt mắt, những đồ hiện đại như siêu nhân, búp bê, bộ xếp hình, khẩu súng… đã thế chỗ những đồ chơi truyền thống. Vẫn còn nhiều đoàn múa lân, múa rồng đi khắp các tuyến phố múa nhưng đã bị thương mại hóa. Nhiều nơi tổ chức Trung thu nhưng chưa giúp trẻ em hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của ngày Tết. Thậm chí có nhiều nơi tổ chức còn câu lệ, hình thức, góp tiền mua quà phát từng nhà cho các cháu là xong…
Trung thu không chỉ dành riêng cho trẻ thơ, mà cũng là để các gia đình tụ họp bên nhau. Người lớn nên dành thời gian cho trẻ nhiều hơn, giúp chúng tìm lại không khí Tết Trung thu truyền thống.
TÂM PHÚC