Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp Hội Phụ nữ ở Hải Dương đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả, giúp phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định vai trò.
Quầy hàng các sản phẩm Nestlé được trưng bày và giới thiệu tại Đại hội đại biểu Phụ nữ xã Hồng Quang (Thanh Miện) nhiệm kỳ 2021-2026
Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ (HPN) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định vai trò, vị thế phụ nữ trong đời sống xã hội.
Hiệu quả
Từ năm 2019, chị Bùi Thị Khánh (sinh năm 1987, ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) đã dày công nghiên cứu sản phẩm bún, bánh đa cá rô đồng. Với nguyên liệu chính là cá rô đồng tự nhiên, bánh đa từ hạt gạo Bắc Giang, các loại rau gia vị đều có nguồn gốc từ trang trại khép kín, sản phẩm bún, bánh đa cá rô đồng của chị Khánh đã giành giải nhất Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” cấp tỉnh năm 2020. Ngay sau đó, thông qua HPN tỉnh, sản phẩm của chị Khánh được kết nối tham gia Chương trình “Hà Nội - Kết nối vươn xa” diễn ra từ ngày 27-29.11.2020. “Trước đó, sản phẩm đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ở miền Bắc. Sau khi tham gia chương trình do HPN tỉnh kết nối, sản phẩm được nhiều đối tác ở miền Trung, miền Nam biết đến nên chúng tôi đã mở rộng thị trường ra các địa phương này”, chị Khánh cho biết.
Đến nay, sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Khánh Thọ do chị Khánh làm chủ không chỉ cung cấp rộng rãi ở gần 100 siêu thị, cửa hàng tiện ích trong cả nước mà còn xuất khẩu sang Lào, Nhật Bản, Australia... Doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đưa thêm 5 sản phẩm mới ra thị trường, nâng tổng số lên 9 sản phẩm, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3.000 thùng sản phẩm các loại. Công ty đang tạo việc làm cho khoảng 60 lao động với thu nhập từ 5-12 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, cuộc sống của bà Nhữ Thị Sánh (sinh năm 1963) ở thôn An Lâu, xã Hồng Quang (Thanh Miện) đã ổn định nhờ tham gia các mô hình do HPN thực hiện. Bà Sánh là cựu chiến binh, mẹ đơn thân, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Những năm trước, bà giúp việc cho một số gia đình ở TP Hải Dương nhưng mấy năm gần đây sức khỏe kém, không thể làm việc này. Trong lúc chưa biết làm gì để có thu nhập, bà Sánh được cán bộ HPN xã vận động tham gia các mô hình “Phụ nữ khởi đầu mới” (đầu năm 2020) và “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” (năm 2021). Năm 2020, bà được vay vốn ưu đãi 5 triệu đồng từ nguồn quỹ của Chi hội Phụ nữ thôn An Lâu để mua dụng cụ bán xôi, bánh mỳ ăn sáng. Đến cuối năm, bà tiếp tục được HPN tỉnh hỗ trợ xe đẩy trị giá 8 triệu đồng. Cùng với bán hàng ăn sáng, bà mở quầy bán các sản phẩm của Nestlé, Ajinomoto. Đến nay, mỗi tháng bà Sánh thu nhập khoảng 4 triệu đồng, giúp ổn định cuộc sống.
Đây là 2 mô hình tiêu biểu trong thực hiện các chương trình của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ do các cấp HPN trong tỉnh triển khai.
Lô hàng đầu tiên của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Khánh Thọ xuất khẩu đi Australia
Nhiều cách làm
Thời gian qua, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp HPN trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả như “Phụ nữ khởi đầu mới”, “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”, Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, tín chấp cho phụ nữ vay phát triển kinh tế...
Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” cấp tỉnh đã giới thiệu 325 ý tưởng khởi nghiệp tham dự Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp trung ương, có 3 ý tưởng lọt vào vòng chung kết được tôn vinh và trao giải. HPN tỉnh hỗ trợ 120 ý tưởng khởi nghiệp đoạt giải cấp tỉnh; 90% số ý tưởng tham gia cuộc thi đã được hỗ trợ về vốn, kiến thức, quảng cáo, giới thiệu tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại... Mô hình “Phụ nữ khởi đầu mới” và “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” xây dựng các địa chỉ bán hàng chính hãng cho hội viên, phụ nữ và cộng đồng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những phụ nữ tham gia các mô hình này được cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, kinh doanh, hỗ trợ quầy hàng, vốn bán hàng... qua đó khởi nghiệp thành công, ổn định cuộc sống.
Các cấp HPN trong tỉnh đã làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... Các cấp hội cũng hỗ trợ thành lập, kết nối kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm của 78 tổ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, gia công, tiểu thủ công... 5 năm qua, các cấp HPN trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 211 lớp dạy nghề cho 9.753 lao động nữ nông thôn. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm 8.3 (HPN tỉnh) tổ chức 50 lớp cho 1.724 học viên, giới thiệu, tạo việc làm tại chỗ cho trên 19.000 lao động.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vận động chị em tham gia chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 7,19% (năm 2015) xuống còn 1,36% (năm 2020), đồng thời phát huy vị thế, vai trò của phụ nữ trong xây dựng, ổn định đời sống kinh tế - xã hội địa phương.
VIỆT QUỲNH