Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã làm tốt hoạt động tư vấn pháp luật (TVPL), hỗ trợ pháp lý, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động cho công nhân, lao động
Tư vấn pháp luật
Những năm qua, không ít tranh chấp đã xảy ra giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhưng nhiều công nhân, lao động (CNLĐ) chưa hiểu các quy định của pháp luật. Bộ phận TVPL của Công đoàn các cấp đã trở thành địa chỉ tin cậy giúp nhiều CNLĐ tìm lại quyền lợi của mình.
Bộ phận TVPL Công đoàn gồm Trung tâm TVPL Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và 20 tổ TVPL Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. 5 năm qua, các bộ phận này đã TVPL trực tiếp cho 2.374 lượt người, TVPL lưu động cho 2.266 lượt người. Trong đó, Trung tâm TVPL LĐLĐ tỉnh tư vấn trực tiếp cho 932 lượt người. Bộ phận TVPL Công đoàn các cấp còn phối hợp tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền pháp luật cho hàng nghìn người tại các doanh nghiệp, phát hàng chục nghìn tờ gấp, tờ rơi liên quan đến các chính sách, pháp luật lao động, công đoàn cho các tổ chức Công đoàn và CNLĐ.
Thời gian qua, bộ phận TVPL Công đoàn các cấp đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và TVPL cho CNLĐ, đoàn viên; tư vấn những kiến thức pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn...; phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật gắn liền với các vấn đề mới liên quan đến người lao động, trong đó chú trọng CNLĐ trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Ngoài tư vấn trực tiếp tại trụ sở hoặc qua điện thoại, bộ phận TVPL Công đoàn các cấp còn phối hợp tổ chức TVPL lưu động ngoài giờ cho CNLĐ tại khu nhà trọ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến nghĩa vụ của người lao động cũng như tổ chức, doanh nghiệp; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để phản ánh với LĐLĐ tỉnh và các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ.
Dịch Covid-19 làm nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến không ít CNLĐ thất nghiệp, tạm hoãn hợp đồng lao động. Thời gian qua, các bộ phận TVPL tập trung tư vấn cho CNLĐ về chính sách tiền lương ngừng việc, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chế độ hỗ trợ cho người gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch...
Các Công đoàn cơ sở không có bộ phận TVPL riêng nhưng thời gian qua các cán bộ Công đoàn cơ sở cũng thể hiện vai trò là cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp và các cấp Công đoàn. Nhiều khúc mắc, kiến nghị của CNLĐ đã được cán bộ Công đoàn cơ sở giải quyết kịp thời, chuyển tiếp đến lãnh đạo doanh nghiệp hoặc Công đoàn cấp trên.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng
Những năm qua, bộ phận TVPL Công đoàn các cấp đã giúp nhiều CNLĐ tìm được quyền lợi với số tiền hàng trăm triệu đồng. Điển hình là LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ TP Hải Dương, Công đoàn ngành công thương, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh... Chỉ tính riêng LĐLĐ TP Hải Dương, 5 năm qua, tổ TVPL của đơn vị đã tư vấn cho 1.486người, trong đó tư vấn trực tiếp cho 625 người, qua đó giúp 125 người tìm được quyền lợi với số tiền 673 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thuý, công nhân Công ty TNHH May Trấn An (TP Hải Dương) bị tai nạn lao động nhưng không được công ty chi trả chế độ. Chị được cán bộ của Trung tâm TVPL LĐLĐ tỉnh tư vấn các quy định về tai nạn lao động; trách nhiệm của doanh nghiệp khi người lao động bị tai nạn lao động; người lao động bị tai nạn lao động được hưởng các chế độ gì và hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động. Sau đó, chị Thuý đã được công ty chi trả hơn 57 triệu đồng.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh bị Công ty TNHH Long Hải (TP Hải Dương) chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Sau khi được cán bộ LĐLĐ TP Hải Dương tư vấn, chị Thanh được doanh nghiệp chi trả trợ cấp 12 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác như chị Bùi Thị Nga, công nhân Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (TP Hải Dương) đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm với số tiền hơn 28,3 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Toàn, công nhân Công ty TNHH M&S Vina (TP Hải Dương) được trả lương tháng cuối gần 13 triệu đồng...
Anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân Công ty May xuất khẩu SSV (Gia Lộc) cho biết nhiều CNLĐ như anh có trình độ học vấn thấp, không có thời gian tìm hiểu các chính sách, pháp luật nên các buổi tuyên truyền, TVPL rất cần thiết. Nhiều CNLĐ có những khó khăn, thắc mắc mà công đoàn cơ sở chưa thể giải quyết hay trả lời được thì mọi người có thể điện thoại hỏi cán bộ của Trung tâm TVPL LĐLĐ tỉnh, rất nhiều CNLĐ đã được giải đáp thấu tình, đạt lý.
THẾ ANH