Việc quan trọng là cần chủ động sớm việc dự báo, chính sách hỗ trợ.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ đầu năm đến ngày 28.11 cho thấy có hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy giảm việc làm, mất việc. Trong đó hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng. Do đó việc quan trọng là cần chủ động sớm việc dự báo, chính sách hỗ trợ.
Do là nước có nhiều doanh nghiệp gia công các mặt hàng cho thế giới nên khi tình hình các thị trường chính như EU, Mỹ... biến động, hành vi tiêu dùng toàn cầu thay đổi đã dẫn đến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta bị sụt giảm.
Ảnh minh họa
Điều này dẫn đến người lao động bị cắt giảm, nghỉ luân phiên, giãn việc... do doanh nghiệp không có đơn hàng. Cũng cần nói thêm, có lẽ ít khi cuối năm thị trường lao động lại ảm đạm như thế này.
Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần bàn để có một chính sách cụ thể hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, không có việc. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp giữ được chân lao động trong giai đoạn trước mắt để hy vọng trong một hai quý tới sẽ có được đơn hàng trở lại.
Đề xuất trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp của đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động cũng là một hướng, nguồn cần xem xét.
Mục tiêu của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm... Tuy nhiên cần nghiên cứu, tính toán cụ thể bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp xác định nếu đưa lao động ra ngoài thì khi có đơn hàng trở lại, chi phí tuyển dụng, đào tạo lại sẽ không nhỏ. Vì thế, cơ bản các doanh nghiệp thực hiện biện pháp giảm thời gian làm việc, giảm lương, giãn việc để vẫn duy trì mối quan hệ với người lao động và chờ thị trường hồi phục.
Do đó việc trích quỹ để đào tạo cái gì, hỗ trợ như thế nào là cả vấn đề phải bàn thảo kỹ lưỡng. Chưa kể, ngoài Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cũng cần xem xét các nguồn khác của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động hiện nay ra sao.
Điều quan trọng là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI cùng các cơ quan liên quan cần ngồi lại, bàn thảo phương hướng và giải pháp cụ thể, sau đó trình Chính phủ xem xét quyết định.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, điều cần thiết là phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu. Cần đánh giá, xem xét khả năng khôi phục của các thị trường truyền thống, mở rộng và tìm kiếm thêm thị trường khác và trong nước. Đi kèm là làm mạnh mẽ hơn việc dự báo sớm, kịp thời, nhanh các vấn đề kinh tế đối ngoại để kết nối với trong nước. Từ sự chủ động, thông tin kịp thời sẽ giúp cho doanh nghiệp có được định hướng để sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đồng thời trên cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cần đánh giá các tác động, ảnh hưởng đến thị trường lao động. Chúng ta phải chủ động hơn, tránh việc xảy ra rồi mới chạy theo để xem có gì hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động không. Hơn thế, các dự báo cho thấy tình hình khó khăn của thị trường lao động sẽ không phải ngày một ngày hai nên Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, người lao động cần đồng lòng chung sức để vượt qua.
PHẠM MINH HUÂN